08/07/2020 19:19 GMT+7

Hà Nội muốn làm đê kết hợp đường, làm đô thị hai bên sông Hồng

XUÂN LONG - HIÊN HUYỀN
XUÂN LONG - HIÊN HUYỀN

TTO - Làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lãnh đạo thành phố Hà Nội nêu thực tế do chưa có quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng đoạn qua Hà Nội nên không xây dựng được hạ tầng xã hội phục vụ 900.000 dân hai bên sông.

Hà Nội muốn làm đê kết hợp đường, làm đô thị hai bên sông Hồng - Ảnh 1.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: XUÂN LONG

Chiều 8-7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo TP Hà Nội đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và các đơn vị của bộ.

Làm đê kết hợp đường hai bên bờ sông 

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, do chưa có quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng đoạn qua Hà Nội nên một số công trình hạ tầng xã hội dân sinh bức xúc trên địa bàn thành phố như trường học, trụ sở làm việc ở các khu vực bãi sông gặp khó khăn trong việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.

Ông Chung cho biết để làm được quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng chạy qua địa bàn TP Hà Nội, theo quyết định của Thủ tướng thì phải làm quy hoạch thoát lũ. 

Cụ thể, trong quá trình xây dựng quy hoạch thoát lũ trước đây, TP Hà Nội đã thống nhất quy hoạch "đê kết hợp với đường" - mô hình đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. 

Theo đó, khi làm đê kết hợp đường hai bên bờ sông Hồng, sẽ làm theo thiết kế đê - đường hai bậc. Trong trường hợp nước sông Hồng dâng lên bậc thứ nhất, vẫn có thể có đường - đê lưu thông ở bậc thứ hai.

Tuy nhiên, để thuận lợi cho thiết kế nhiều công trình đường và cầu qua sông Hồng, ông Chung cho rằng với cốt đê 13,2m vẫn có thể đảm bảo phân lũ, nhất là khi trên thượng lưu sông Hồng đã có 3 thủy điện lớn hỗ trợ điều tiết lũ.

Đất ngoài bãi sông Hồng mênh mông, nhưng không ai dám đầu tư

Đặt vấn đề cần xây dựng quy hoạch thoát lũ sông Hồng đoạn qua Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng yêu cầu chống lũ là rất quan trọng, đó là vấn đề sống còn. 

"Từ trên máy bay nhìn xuống hay đi tàu bè nhìn qua thì thấy hai bên bờ sông Hồng như hiện nay thì thủ đô làm sao phát triển được?

Bên trong thì vi phạm trật tự xây dựng, còn đất ngoài bãi sông Hồng không ai dám đầu tư vào khoa học công nghệ vì quy định đất chưa được quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm. Sau 5 năm lại xóa làm lại thì ai dám đầu tư vào khoa học công nghệ?

Tôi đi các huyện Đan Phượng, Hoài Đức thì thấy đất ngoài bãi sông Hồng mênh mông nhưng không kêu được các nhà khoa học vào, tất cả đều phải đợi quy hoạch hết. 

Ngay khu vực bãi giữa sông Hồng - khu vực quận Hoàn Kiếm, giờ mượn làm tạm cũng không được, tất cả án binh bất động. Chỗ này đề nghị bộ nghiên cứu giúp cho thành phố" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2016 Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

"Đây là cơ sở gốc của vấn đề, trên cơ sở đó làm cơ sở quy hoạch của 15 tỉnh ở hạ du về phòng chống thiên tai và công tác bảo vệ đê điều" - ông Cường giải thích.

Ông Cường cũng nêu thách thức lớn hiện nay chính là vấn đề biến đổi khí hậu, mức độ cực đoan của thời tiết khó lường. 

"Lâu nay chưa bao giờ 2/3 số tỉnh ở Trung Quốc mưa bất khả kháng suốt một tháng như bây giờ, Nhật Bản gần đây cũng mưa như thế, Ấn Độ cũng có những khu vực mưa tới 2.400 mm/2 ngày. Vì vậy quyết định 257 ra đời nhằm bảo vệ hạ du, đặc biệt là thủ đô Hà Nội của chúng ta với hai chỉ tiêu chính. 

Thứ nhất, cố gắng làm sao đưa cốt đê 13,4m để bảo vệ an toàn gần như tuyệt đối cho toàn bộ diện tích lõi nội ô của thành phố. Thứ hai, đảm bảo mức thoát lũ ở tiết diện trung bình của sông Hồng đoạn Hà Nội là 20.000 m3/s, đây là hai nguyên tắc" - ông Cường nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đồng tình với giải pháp phải góp phần quản trị dòng chảy, góp phần tận dụng tài nguyên và góp phần đảm bảo an sinh.

Tuy nhiên, ông cho rằng từ hai nguyên tắc trên, phải rà soát lại tất cả lòng sông, khu vực sông để chỉnh trang lại, chứ không để tự phát như vừa qua.

Tiếp nữa là tận dụng tài nguyên để phát triển bằng các thiết chế, có thể có những chỗ thiết chế được nhà tầng, có chỗ thiết chế được hạ tầng dịch vụ - thương mại.

"Có 900.000 người dân sinh sống ở khu vực hai bên sông, khu vực này cũng có tới 73 điểm cụm dân.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ cử lực lượng khoa học, kể cả Viện khoa học thủy lợi, các viện nghiên cứu tập trung với thành phố tổng rà soát lại, nhưng vẫn phải đảm bảo hai nguyên tắc là cốt đê cao 13,4m và mức thoát lũ ở tiết diện trung bình của sông Hồng đoạn Hà Nội là 20.000 m3/s không ảnh hưởng" - ông Cường nói.

Hà Nội Hà Nội 'chốt' thu đủ 285.000 tỉ đồng ngân sách

TTO - Phát biểu bế mạc kỳ họp HĐND thứ 15 khóa XV TP Hà Nội chiều 7-7, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.

XUÂN LONG - HIÊN HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên