24/02/2017 21:17 GMT+7

Hà Nội không hạ đê sông Hồng xuống 12,4m?

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Các nhà khoa học khuyên TP Hà Nội không nên hạ phần đê đất xuống cao trình dương 12,4m.

Ảnh tư liệu


Dù được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đồng ý với đề nghị của thành phố Hà Nội thay đổi một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu đê bê tông cốt thép đoạn hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, nhưng các nhà khoa học vẫn khuyên thành phố Hà Nội không nên hạ phần đê đất xuống cao trình dương 12,4m.

Cuộc họp sáng 24-2 về phương án thiết kế xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên và kết hợp thay thế phần đê đất bằng bê tông cốt thép đoạn đê Hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các nhà khoa học.

Đây là lần đầu tiên Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội lấy ý kiến các nhà khoa học.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết rất nhiều ý kiến khuyên thành phố Hà Nội không nên hạ phần đê đất xuống mức dương 12,4m, vì đây là cao trình dưới mực nước lũ thiết kế.

Một nhà khoa học giấu tên cho biết hiện cao trình đê Hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương đang có cao trình dương 14,8 đến 15,2m.

Nếu phần đê đất đưa xuống cao trình dương 12,4m còn phía ngoài làm tường bê tông cốt thép thì phần đê đất đã hạ xuống từ 2,4-2,8m.

Chuyên gia này cho biết rất nhiều ý kiến đã góp không nên hạ phần đê đất xuống cao trình dương 12,4m, vì đây là mức thấp hơn mực nước lũ thiết kế là 13,4m.

Mực nước lũ thiết kế tại trạm thuỷ văn là 13,4m, vì vậy, theo chuyên gia này, nhiều nhà khoa học đã góp ý Hà Nội nên duy trì phần đê đất ở cao trình dương 13,5m.

Như vậy, sau khi hạ phần đê đất xuống cao trình đê dương 13,5m, phía ngoài kết hợp làm tường bê tông cốt thép bằng cao trình dương 14,8 đến 15,2m, đoạn đường đê từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao An Dương sẽ có mặt bằng giống với đoạn con đường gốm sứ.

Theo chuyên gia này, nếu chỉ hạ phần đê đất xuống cao trình dương 13,5m, không phải cao trình dương 12,4m, phần mở đường của Hà Nội sẽ giảm hơn, chỉ thêm một làn đường.

Tuy nhiên, dù phần mở đường có giảm xuống nhưng ở mức đê đất có cao trình dương 13,5m sẽ đảm bảo an toàn khi phía ngoài đã có tường bê tông cốt phép cao từ 1,3 đến 1,7m.

Còn nếu hạ phần đê đất phía trong xuống mức dương 12,4m, thì phần tường bê tông cốt thép phía ngoài sẽ cao hơn từ 2,4 đến 2,8m. Tường cao như vậy với vai trò chắn khi có lũ thì phải làm thành đập chắn, như vậy sẽ rất tốn kém.

Chuyên gia này cũng biết, với chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc nhất quyết phải đảm bảo an toàn chống lũ, vì vậy, đây mới là cuộc đầu tiên lấy ý kiến của các nhà khoa học.

“Phương án thiết kế và kết hợp thay thế phần đê đất bằng bê tông cốt thép đoạn đê Hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương sẽ còn được tiếp. Tới đây còn đưa ra hội đồng đánh giá, còn có cả tư vấn bên ngoài tham gia, thẩm định của hội đồng và các nhà khoa học nên chắc chắn phần đê đất hạ xuống bao nhiêu sẽ được tính toán kỹ”, chuyên gia này nói.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên