18/06/2024 12:06 GMT+7

Hà Nội lo thiết bị gian lận thi tốt nghiệp phát từ khoảng cách hơn 25m

Lo ngại về thiết bị gian lận thi tốt nghiệp THPT được đặt ra trong buổi làm việc của Ban chỉ đạo thi Hà Nội với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 18-6.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trao đổi với ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khi kiểm tra một điểm thi vào ngày 18-6 - Ảnh: VĨNH HÀ

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trao đổi với ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khi kiểm tra một điểm thi vào ngày 18-6 - Ảnh: VĨNH HÀ

Chỉ còn hơn một tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ diễn ra trên toàn quốc. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang được các địa phương gấp rút hoàn thành.

Số thí sinh thi tốt nghiệp đông nhất nước

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có 108.573 thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội, trong đó có gần 95.000 thí sinh học chương trình THPT, hơn 13.600 thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên. Có trên 4.600 thí sinh tự do.

Hà Nội có 196 điểm thi tại 30 quận, huyện, với trên 4.500 phòng thi. Ngoài ra Hà Nội đã chuẩn bị 176 phòng chờ (ở các điểm thi có thí sinh tự do), 392 phòng thi dự phòng.

Hà Nội phải huy động 15.115 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi, điều động gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi. Có 566 cán bộ, giáo viên tham gia thanh tra cắm chốt tại các điểm thi, bên cạnh đó có 14 tổ giám sát hoạt động thanh tra. Ban chỉ đạo cũng thành lập 12 tổ kiểm tra kỳ thi.

Ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết năm nay Hà Nội tiếp tục có số thí sinh đông nhất cả nước, nên công tác chuẩn bị cho kỳ thi khá vất vả.

Ông Cương đề xuất với lãnh đạo bộ quy định lịch thi cố định vào cuối tháng 6 hằng năm để địa phương có kế hoạch sớm, chủ động trong việc chuẩn bị mọi khâu của kỳ thi. Từ thực tế đã xảy ra, ông cũng đề nghị bộ cho phép bổ sung các túi đề thi gốc để làm công tác đối sánh khi có sự cố về đề như thiếu trang, in mờ.

Về giải pháp phòng chống gian lận, ông Trần Thế Cương chia sẻ mặc dù Hà Nội thuận lợi hơn một số địa phương nhưng do số thí sinh rất đông, địa bàn trải rộng nên biện pháp đảm bảo an ninh của kỳ thi phức tạp hơn.

Việc phát hiện thiết bị gian lận thi tốt nghiệp tinh vi là một khó khăn vì năng lực của giám thị, giám sát ở điểm thi có thể không đủ để phát hiện. Hà Nội có kế hoạch mời cán bộ an ninh tập huấn trực tiếp cho giám thị, nhưng đây vẫn là mối lo rất lớn.

"Quy chế quy định đồ dùng tư trang của thí sinh để cách phòng thi ít nhất 25 mét. Nhưng thực tế có thể có những loại thiết bị phát tán thông tin được khoảng cách xa hơn 25 mét", ông Cương nói và cho rằng cần phải điều chỉnh quy định để ngăn chặn gian lận.

Cần có phương án dự phòng tốt

Trao đổi tại cuộc làm việc với Ban chỉ đạo thi Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhắc lại 5 nội dung cần lưu ý gồm: công tác chỉ đạo sát sao, toàn diện; công tác phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng tham gia kỳ thi, làm sao rõ người, rõ việc, rõ vị trí; công tác chuẩn bị cho kỳ thi chu đáo, kỹ lưỡng; thực hiện đúng quy chế và truyền thông kịp thời đầy đủ.

Ông Thưởng nhấn mạnh đến việc tập huấn cho giám thị cần làm tốt. Mỗi người tham gia kỳ thi đều tham gia tập huấn, lắng nghe, ghi nhớ thì có thể sẽ hoàn thành công việc tốt, phát hiện những hành vi gian lận.

Tuy nhiên, ông Thưởng cũng cho biết trong công tác phối hợp, việc phối hợp với cơ quan an ninh trong việc tư vấn, tập huấn cho cán bộ, giáo viên nhằm phát hiện, xử lý hành vi gian lận rất quan trọng.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị Hà Nội cũng như các địa phương phải có phương án dự phòng khi có tình huống phát sinh. Tại Hà Nội, nơi có thí sinh đông nhất cả nước, cần lường trước những vấn đề phát sinh như mưa lớn, ngập úng, tắc đường... để có phương án giải quyết nhằm chủ động, kịp thời xử lý.

Thứ trưởng cũng đề nghị tăng cường các biện pháp bảo mật đề thi, bài thi để giảm thiểu các rủi ro liên quan tới khâu in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi.

Bà Vũ Thu Hà, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhắc nhở ban chỉ đạo thi các quận, huyện phải rà soát lại tất cả các khâu của kỳ thi.

Bà Hà lưu ý việc truyền thông về kỳ thi cần làm sớm để thí sinh nắm tốt quy chế, đặc biệt là những quy định liên quan tới trách nhiệm của thí sinh.

Trên 5.000 sinh viên, thanh niên tình nguyện

Theo anh Nguyễn Tiến Hưng - phó bí thư Thành Đoàn Hà Nội, Thành Đoàn đã huy động trên 5.000 sinh viên, thanh niên tham gia hỗ trợ kỳ thi.

Trước đó, ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội mới diễn ra, lực lượng tình nguyện đã rất chủ động, nhiệt tình. Trong buổi thi có mưa to, lực lượng tình nguyện đã cõng thí sinh vượt qua điểm úng ngập, cung cấp kịp thời dù che mưa, áo mưa miễn phí cho thí sinh.

Thành Đoàn Hà Nội còn tổ chức đội xe ôm 0 đồng để kịp thời hỗ trợ thí sinh trong các tình huống phát sinh.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều trường THPT ở Hà Nội vẫn tổ chức ôn tập cho thí sinh có nhu cầu, hoặc thí sinh còn chưa tự tin vào kiến thức, hoặc thí sinh muốn ôn tập để có mức điểm cao sử dụng xét tuyển đại học. Theo hiệu trưởng các trường, việc ôn tập tại trường miễn phí nhằm hỗ trợ, khích lệ các em.

Lo thiết bị gian lận công nghệ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024Lo thiết bị gian lận công nghệ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đã có buổi kiểm tra, làm việc với tỉnh Yên Bái về chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 vào ngày 10-6.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên