Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo TP về tổng kết thực hiện nghị quyết số 18.
Báo cáo này căn cứ vào các quy định, hướng dẫn mới nhất và kế hoạch của Trung ương và Thành ủy Hà Nội.
Hà Nội dự kiến còn 18 sở và cơ quan tương đương
Về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy với các sở, cơ quan tương đương và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP, Hà Nội đề xuất tiếp tục duy trì 10 sở và tương đương, gồm: Văn phòng UBND TP; Thanh tra TP;
Sở Tư pháp; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở Du lịch; Sở Ngoại vụ; Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.
Theo đề xuất, việc duy trì các sở và tương đương nêu trên là cần thiết, bảo đảm tính đặc thù trong quản lý nhà nước của TP, tính ổn định, kế thừa và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Đối với các sở giữ nguyên, Hà Nội yêu cầu tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong đảm bảo mục đích, yêu cầu, nguyên tắc sắp xếp theo quy định.
Các sở ở Hà Nội sẽ hợp nhất
Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, dự kiến mang tên mới là Sở Kinh tế - Tài chính (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư).
Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến đổi tên là Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ, dự kiến đổi tên thành Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.
Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ, dự kiến đổi tên thành Sở Nội vụ và Lao động.
Sở Y tế dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Hà Nội dự kiến không duy trì Ban Dân tộc trực thuộc UBND TP; chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của ban này về Sở Nội vụ và thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong cho phù hợp.
Hà Nội cũng đề xuất hợp nhất Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tên gọi sau sắp xếp dự kiến là Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp TP.
Giải thể Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan có liên quan.
2 phương án sắp xếp cơ quan báo chí
Đối với các cơ quan báo chí khối chính quyền, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đề xuất 2 phương án, trong đó phương án 1 là tiếp tục duy trì 2 cơ quan báo chí trực thuộc UBND thành phố, gồm Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội và báo Kinh tế - Đô thị.
Phương án 2 là thực hiện sắp xếp theo chỉ đạo của trung ương (sáp nhập báo Kinh tế - Đô thị với báo Hà Nội mới).
Dự kiến có 18 sở và cơ quan tương đương
Thực hiện theo phương án trên, sau sắp xếp Hà Nội sẽ có 18 sở và cơ quan tương đương sở; theo đúng chỉ đạo định hướng tại văn bản ngày 18-12 của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ.
16 sở gồm:
Văn phòng UBND TP; Thanh tra TP; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Kinh tế - Tài chính; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Sở Nội vụ và Lao động; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công Thương;
Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở Du lịch; Sở Ngoại vụ (nếu Ban chỉ đạo Trung ương quyết định TP Hà Nội chỉ có 15 sở thì Sở Ngoại vụ sẽ hợp nhất với Văn phòng UBND TP).
2 cơ quan tương đương sở gồm:
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố; Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận