Người lao động tại Hà Nội muốn biết thuộc đối tượng hỗ trợ nào thì liên hệ đường dây nóng 0243.834.4643 - Ảnh: HÀ QUÂN
Tại tọa đàm trực tuyến "Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hà Nội" ngày 12-8, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết người dân thắc mắc hay kiến nghị về nghị quyết 68 thì liên hệ số điện thoại đường dây nóng: 0243.834.4643.
Đường dây có nhiều nhánh, mỗi một nhánh sẽ phụ trách một nhóm đối tượng. Thời gian làm việc từ 8h sáng đến 6h tối, hoạt động các ngày trong tuần.
Đường dây nóng đặc biệt có ý nghĩa khi giải đáp cho cán bộ cấp xã, phường, tổ dân phố về cụ thể từng trường hợp có được nhận hỗ trợ hay không.
Về thủ tục để lao động tự do nhận hỗ trợ, ông Nguyễn Hồng Dân cho hay quy định hiện nay là người dân cần nộp đơn đề nghị theo mẫu đến UBND xã, xác nhận tạm trú/thường trú của công an khu vực, giấy xác nhận không lấy hỗ trợ ở nơi thường trú hoặc ngược lại.
"Người tỉnh khác đang lao động ở Hà Nội phải có giấy xác nhận nơi thường trú là bản thân không nhận chính sách này ở nơi thường trú mà nhận ở nơi tạm trú hoặc ngược lại nhằm tránh lợi dụng, trục lợi chính sách", ông Dân nói.
Vị này lấy ví dụ, một lao động tự do quê Bắc Ninh nhưng có tạm trú và nhận hỗ trợ ở Hà Nội thì có thể nhận 2 lần tiền nên sở vẫn "đề nghị thủ tục có giấy này" khi tham mưu với thành phố.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thu Giang, phó viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng, cho biết việc lao động tự do khó xin giấy xác nhận ở địa phương. Bà Giang đề xuất tờ cam kết ghi rõ "nếu nhận hỗ trợ 2 lần sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật" và cơ quan chức năng hoàn toàn kiểm soát được người dân qua CCCD/CMND.
Thực tế, nghị quyết 42 chỉ hỗ trợ được trên 1 triệu lao động tự do với kinh phí trên 1.000 tỉ đồng. Do yêu cầu người dân về quê xin giấy xác nhận khiến nhiều người khó khăn và không "mặn mà" với chính sách.
Tiếp thu ý kiến, đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cam kết sẽ đề xuất với UBND TP Hà Nội nội dung trên để người lao động chỉ cần CCCD/CMND, đăng ký tạm trú và đơn xin để nhận hỗ trợ.
"Quan điểm là rút gọn thủ tục hành chính nhiều nhất để người lao động hưởng chính sách nhanh nhất", ông Dân nói.
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đang đề xuất thành phố hỗ trợ 10 nhóm đối tượng là người nghèo, người có công, đối tượng chính sách, giáo viên các trường tư thục… Trước đó, ngày 10-8, tại văn bản số 452, Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất chủ trương ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ những đối tượng ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch COVID-19 chưa được quy định tại nghị quyết 68 và quyết định 23.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận