Trưng bày có cả phướn cổ động chiến thắng B52 treo xung quanh hồ Gươm tháng 1-1973, được Bảo tàng Lịch sử quốc gia sưu tầm
Cuộc trưng bày do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (12-1972 - 12-2022), khai mạc sáng 16-12.
Trong bối cảnh đã có nhiều triển lãm, trưng bày về cùng chủ đề này tại Hà Nội những ngày qua, sự kiện này tìm được một góc nhân văn và xúc động khi làm nổi bật tiếng nói từ chính những người dân, lại gần những thân phận bé nhỏ trong cuộc chiến.
Du khách được trải nghiệm chui xuống hầm tăng xên tránh bom Mỹ
Ngoài những sưu tập tài liệu, hình ảnh, hiện vật như những triển lãm khác, trưng bày này còn đưa ra nhiều phỏng vấn nhân chứng về cuộc chiến, từ những tướng lĩnh, bộ đội tới những người dân thường, mang tới hình dung sinh động, chân thực về cuộc sống, không khí chiến đấu, phục vụ chiến đấu, những thắng lợi của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Và tất nhiên nó có cả những nốt trầm trong bản hùng ca. Trong đó câu chuyện trên tấm thiệp mời cưới của cặp đôi Hà Nội làm người xem hôm nay nhói lòng.
Tấm thiệp cưới đầy máu và nước mắt khi trở thành mảnh giấy đưa tin cô dâu chết vì bom trước lễ cưới vài ngày
Đó là thiệp mời dự lễ thành hôn của chị Ngô Thị Ngọc Tường và anh Đỗ Doãn Hải ngày 24-12-1972, nhưng cô dâu đã bị bom Mỹ giết hại ngay trước đám cưới của mình, ngày 20-12-1972.
Trên tấm thiệp ấy, người thân của chú rể viết: "Tuyết Nga ơi! Ngọc Tường bị bom sáng 19 ở Lương Yên và đã mất hồi 20h ngày 20 ở Bệnh viện Việt Đức. 11h30 chiều nay (21-12-1972) sẽ đưa đám. Nga báo cho các bạn bè biết. Thật là đau đớn và căm thù giặc Mỹ".
Tấm thiệp cưới báo tin vui cuối cùng đã thành tờ thông cáo tin buồn của cô dâu.
Tập thơ của nữ sinh Đặng Thị Hà dang dở vì cái chết đột ngột giữa thanh xuân bởi bom đạn Mỹ
Cuốn sổ chép thơ mình sáng tác của một nữ sinh ở Hà Nội phải dang dở vì bom Mỹ cũng là một câu chuyện động tới tâm can người xem.
Đặng Thị Hà - học sinh Trường Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội - sáng tác nhiều bài thơ với đầy tinh thần lạc quan, tin tưởng và hy vọng, những ước mơ, hoài bão về tương lai. Trong bài thơ Cuộc sống và tiếng hát, Hà thổ lộ về ước mơ trở thành một cô giáo, "là chiến sĩ mặt trận nào cũng thích".
Nhưng tương lai ấy đã không bao giờ đến, mà chỉ nằm lại trên những trang thơ còn ở lại. Cuốn sổ chép thơ của nữ sinhh Đặng Thị Hà phần nào gợi liên tưởng đau đớn đến cuốn Nhật ký của Anne Frank trong Thế chiến thứ hai.
Chuông chùa vỡ, tượng mất đầu, nồi niêu hỏng, vỡ vì bom Mỹ
Triển lãm còn có nhiều hiện vật quý, như những pho tượng, chuông chùa, mâm, xoong bị biến dạng vì bom Mỹ; chiếc micro Đài Tiếng nói Việt Nam dùng phát tin trong thời gian gián đoạn 9 phút khi bị máy bay đánh phá Hà Nội vào 4h40 ngày 19-12-1972; phướn cổ động chiến thắng B52 của Mỹ treo xung quanh hồ Gươm tháng 1-1973…
Và không thể thiếu góc "check-in" lý tưởng cho những người muốn hồi cố hoặc muốn trải nghiệm cảm giác chui xuống hầm cá nhân trên phố để tránh bom đạn như người Hà Nội 50 năm trước.
Cả một đoạn phố với những hầm tăng xê, mũ rơm, con dúi rơm được tái hiện để chiều du khách muốn trải nghiệm.
Triển lãm Máu và hoa - Hà Nội 12 ngày đêm mở cửa đến tháng 4-2023.
Chiếc micro Đài Tiếng nói Việt Nam dùng phát tin trong thời gian gián đoạn 9 phút khi bị máy bay đánh phá Hà Nội vào 4h40 ngày 19-12-1972
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận