Nhà mái lá phủ đầy rêu của người Tày, tập trung chủ yếu ở các thung lũng có ruộng bậc thang - Ảnh: GIA THỊNH
Mái nhà của cộng đồng người dân tộc ở Hà Giang và Đông Bắc nói chung bằng lá, bằng ngói hay bằng đá có màu sắc, kết cấu phù hợp với cảnh quan chung của toàn bộ khu vực. Chỉ một mái nhà nhưng lại gợi lên nhiều điều về một vùng đất.
Nhà mái ngói đen xỉn của người H’Mông nằm sâu bên trong lòng cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: GIA THỊNH
Xã Phương Độ (TP.Hà Giang) - nơi sinh sống của cộng đồng người Tày - "kéo" khách ngang đường ghé lại bằng hình ảnh những mái nhà dày cộm được kết kỳ công từ lá cọ. Đi ngang đường cái, nhìn vào làng, nổi lên giữa mảng màu cọ, tre xanh mướt là những mái nhà đen nâu nhưng không chỏi trong không gian đầy ắp thiên nhiên hoang sơ.
Tôi nhớ khi đến Phương Độ, chiều về rồi, lớp sương đè xuống mái nhà nhưng cứ lởn vở, không có cách nào lòn vào bên trong. Nhờ vậy những căn nhà sàn gỗ tưởng mỏng manh nhưng lại luôn ấm - mát tùy mùa đông hay hè.
Mái lá dày hơn một gang tay được giằng giữ, bệnh chặt bằng những cọng lạt tre đã được ngâm bùn nhiều năm. Trong mỗi tấm lợp là nhiều lớp lá chồng lên nhau, thoạt nhìn mỏng manh nhưng nương theo nhau mà bảo vệ căn nhà sàn khỏi nắng mưa.
Du khách thích thú chụp hình cùng mái nhà phủ đầy rêu - Ảnh: GIA THỊNH
Căn nhà tôi ở là của anh Nghĩa - thôn Hạ Thành. Anh bảo, mái nhà này là mái nhà làng bản cùng làm cho nhau. Không bán, không mua, mọi người trong làng góp sức bện mái nhà cho anh khi anh dựng nhà.
Đến lúc người khác dựng nhà, không ai gọi, anh cũng tự đến góp sức. Mái nhà càng chặt, càng bền, tình nghĩa người trong bản làng càng gắn bó.
Người Tày, người Nùng đi cắt lá cọ già, những cành lá gãy trong vườn cọ của nhà hoặc trong rừng lớn mang về phơi khô rồi chuốt thẳng thớm cất sẵn, đợi ngày dựng tổ ấm.
Tôi nghe anh Nghĩa kể chuyện làm nhà, tôi bảo giống đánh giặc, phải trường kỳ nhỉ. Nghĩa cười phớ lớ vì men rượu ngô đang làm anh hưng phấn.
Anh bảo: "Đánh giặc hay làm nhà cũng chung mục đích bảo vệ tổ ấm mà nhỉ. Có điều lớn nhỏ khác nhau thôi nhỉ. Nên trường kỳ là đúng mà".
Mái lá, mái ngói vảy cá hòa nhịp trong không gian đồi núi Đông Bắc - Ảnh: GIA THỊNH
Từ thôn Hạ Thành, tôi men theo đường nhỏ trong núi đi 25 km để đến Khuổi My. Ruộng bậc thang đẹp. Núi rừng đẹp. Và những mái nhà rêu phong đến huyễn hoặc khách phương xa.
Có lẽ Khuổi My nằm giữa khu rừng nguyên sinh có độ ẩm cao nên mái nhà phủ đầy rêu. Rêu phủ gần kín khiến mái nhà không còn là màu nâu nâu ban đầu mà có màu xanh. Mái nhà lạ, đẹp, ấn tượng đến đặc sắc.
Cái đẹp khiến người ta hân hoan, nhưng cũng gợi những nghĩ suy mất mát. Nhìn những mảng rêu, không ít lần tôi tự hỏi những mái nhà đẹp này sẽ mất đi lúc nào.
Nhà sàn gỗ lợp mái ngói do chính tay người Lô Lô làm ra. Nhà của người Lô Lô là một nét đặc sắc trong xây dựng tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh: GIA THỊNH
Mái lợp đẹp nhưng kỳ công, mái tôn không đẹp nhưng tiện dụng. Và mất gì, Hà Giang mất đi mái nhà ư? Không! Mất cả một không gian.
Tôi hỏi những nguời bạn cùng đi, không ai bảo họ đến Hà Giang vì những mái nhà lợp lá, cũng không phải để ngắm những mái nhà ngói đen sỉn. Họ đến vì cuộc sống hài hòa giữa con người và không gian kỳ vĩ miền núi đá Hà Giang.
Nhưng nếu những mái nhà đặc sắc bằng lá, bằng ngói, bằng đá bị thay bằng những mái tôn thì không gian cảnh quan sẽ méo mó. Sự hài hòa được tạo nên từ rất xa xưa sẽ mất và khó lòng cứu vãn. Sức hấp dẫn du lịch của Hà Giang cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Mái nhà tôn thiếu sự hài hòa với không gian chung quanh khiến không gian trở nên khô khốc - Ảnh: GIA THỊNH
Hà Giang quá hấp dẫn để phát triển du lịch, và quá đẹp, khiến người ta cảm thấy tiếc nếu cái đẹp sứt mẻ dù chỉ một chút. Và những mái nhà Hà Giang đâu chỉ là "một chút"!
Du khách thích thú chụp hình cùng mái bằng ngói giữa mùa hoa đào nở - Ảnh: GIA THỊNH
Lớp rêu dày phủ lên mái nhà rất độc đáo, bên trong nhà vẫn khô ráo - Ảnh: GIA THỊNH
Khách sạn trên đỉnh Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) là ví dụ về sự thiếu hài hòa trong xây dựng làm biến dạng cảnh quang trong khu vực - Ảnh: GIA THỊNH
Mời bạn tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành
Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn hiến kế trực tuyến liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế "With COVID-19" (Cùng với COVID-19).
Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: hienkedulich@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận