Dòng trạng thái về tiền mừng cưới này được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, thu hút nhiều lượt bình luận với hai luồng ý kiến khác nhau. Người đứng về phe chủ bài đăng trách bạn khách không tinh tế. Người bênh vực người bạn cho rằng tác giả viết bài này quá tính toán.
Tiền mừng cưới chứ có phải gửi tiết kiệm đâu mà đòi lãi!
Chị Đỗ Lan (30 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng năm 2014 mà mừng cưới 1 triệu là rất nhiều, phải thân thiết lắm mới mừng cưới nhiều vậy.
"Cách 1-2 năm mà mừng ngang mức tiền thì không nói. 10 năm sau, đồng tiền mất giá cũng đi lại người ta 1 triệu thì thật sự không biết điều. Có lẽ điều khiến chủ bài đăng thất vọng là sự không biết điều của người bạn, chứ thêm vài ba trăm nghìn cũng không giàu thêm được", chị Lan nói.
Đồng quan điểm, anh Ngọc Dương (30 tuổi, ngụ Bình Dương) nói sẽ mừng ít lại với những ai đồng tình với người bạn trong câu chuyện trên. Trân quý tình cảm mới bỏ số tiền lớn để mừng bạn, cuối cùng còn bị trách là so đo vật chất.
Trước bình luận "Không biết ai như thế nào chứ xưa giờ mình toàn đi nhỉnh hơn số tiền người ta đi trước đó cho mình" của Dương Nguyễn, nhiều người để lại bình luận thể hiện sự đồng tình.
Trường hợp khác, bạn Nguyệt Cẩm kể, năm 2015, bạn thân mừng cưới cho mình 1 triệu. Năm nay bạn cưới, cô đi lại 3 triệu và có thể đi hơn nếu đang không khó khăn về tài chính.
Trong khi đó, một bình luận trái chiều khác nhận được nhiều lượt thích. Người này cho rằng chia sẻ của bài đăng lẫn nhiều bình luận rất phiến diện, vì tiền mừng cưới chứ không phải tiền tiết kiệm mà đòi lãi.
Chưa kể, khách mời có thể đang gặp khó khăn về kinh tế hay mất số tiền lớn để đến chỗ cưới nếu ở xa thì sao!
Với nick Trần Dương, người này cho rằng tiền mừng cưới tính theo thời giá tiền đặt bàn cưới. Còn có lòng cho thêm thì đó là câu chuyện cá nhân, không thể đòi hỏi người khác cư xử với mình như cách mình đối đãi với họ.
Có người mừng ít hơn, thậm chí không đến
Gặp trường hợp tương tự, chị Thu Hà (27 tuổi, ngụ Bình Dương) tâm sự hồi đám cưới bạn năm 2012, chị mua tặng chiếc nhẫn nửa chỉ vàng. Chưa kể lặn lội hơn 300km tới nhà bạn, còn tiễn bạn về nhà chồng thêm 20km nữa.
Thế nhưng lúc chị cưới và mời lại, bạn bảo bận không thể đi nên chuyển khoản 500.000 đồng. "Lấy chồng muộn thiệt thòi quá!", chị Hà than.
Cho rằng bạn bè thời bây giờ là thế, Minh Tiến kể cô bạn học chung năm lớp 12 luôn vắng mặt trong các ngày họp lớp nhưng chợt có năm lại sôi nổi tham gia. Chưa đầy nửa năm sau, bạn này gửi thiệp cưới. Dù không đi nhưng Tiến vẫn gửi phong bì 300.000 đồng.
"Cưới xong, bạn ấy lặn mất tăm hơi. Hóa ra năm ấy xông xáo gặp mặt để mời cưới. Cưới xong, hủy kết bạn dần với hầu hết bạn bè luôn, chắc để sau này khỏi ai mời", Tiến viết.
Người bình luận tên Sam Sam đồng ý rằng đám cưới không phải là hình thức đầu tư, nhưng cũng nên sống sao cho dễ nhìn mặt nhau. Kể chi tiết, cô nói từng đi đám cưới chị đồng nghiệp đến tận hai lần, mỗi lần 500.000 đồng.
Vậy mà đám cưới cô, chị đồng nghiệp không đến, không lời chúc và đương nhiên không một cắc tiền mừng. "Chắc vì không còn làm việc chung nữa nên chị ấy nghĩ không cần đi", cô chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận