16/07/2014 07:30 GMT+7

Gửi thông điệp cho Trung Quốc và thế giới

HÀ BÌNH ghi (từ Hoàng Sa, Việt Nam)
HÀ BÌNH ghi (từ Hoàng Sa, Việt Nam)

TT - Trên chuyến tàu chở phóng viên trong nước và quốc tế ra Hoàng Sa tác nghiệp, phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp ông André Menras (tên Việt là Hồ Cương Quyết) - một người có cả quốc tịch Pháp và Việt Nam.

00cwUY77.jpg
Ông Hồ Cương Quyết ở Hoàng Sa - Ảnh: Hà Bình

Bắt tay chào ông trên boong tàu, ông chào lại bằng tiếng Việt và chia sẻ:

“Tôi đến đây để lấy tư liệu làm một bộ phim mới về những người dân đi đánh bắt cá ở Hoàng Sa. Tôi bắt đầu bộ phim của mình bằng cảnh quay giàn khoan 981, tàu chiến Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam. Tiếp đó là cảnh quay về tàu của bà Như Hoa bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở đây. Tôi sẽ phỏng vấn một số thuyền viên suýt chết đuối khi tàu bị đâm để cho thấy khu vực giàn khoan 981 cực kỳ nguy hiểm vì Trung Quốc và vì bão nữa.

Thế nhưng ngư dân Việt Nam vẫn ra khơi. Từ một chiếc tàu nhỏ, bây giờ bà Như Hoa đã có tàu 1.200 mã lực. Đó là thông điệp cho Trung Quốc thấy rằng dù bị đe dọa nhưng ngư dân không bao giờ bỏ cuộc.

Bộ phim của tôi cũng sẽ gửi thông điệp đến dư luận ở châu Âu, Mỹ rằng vấn đề chủ quyền là chính trị và cũng là con người. Tôi muốn làm bộ phim về con người. Tôi muốn ghi lại hình ảnh chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam rất bình tĩnh và có ý chí bảo vệ chủ quyền. Tôi cũng muốn phỏng vấn phóng viên nước ngoài đi trên tàu về cảm nhận và những gì họ quan sát được.

Tôi cho rằng nếu không phản đối một cách hòa bình nhưng cứng rắn, đúng pháp luật quốc tế, không cho dư luận thế giới biết thì sẽ mất biển. Trung Quốc sẽ không dám để xảy ra chiến tranh vì sợ mất uy tín với quốc tế. Nếu có chiến tranh, quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước sẽ giảm và họ sẽ yếu đi. Tôi nói những điều này với tư cách là công dân Việt Nam.

Bây giờ, theo tôi, nên đấu tranh bằng đường lối hòa bình nhưng phải tận dụng pháp luật để kiện Trung Quốc. Thứ nhất, kiện Trung Quốc đã cướp Hoàng Sa. Thứ hai, kiện Trung Quốc đã đặt giàn khoan trái phép ở đây. Thứ ba, kiện Trung Quốc về nhân quyền vì Trung Quốc đã bắt, giữ ngư dân Việt Nam, người lao động trên biển Việt Nam và cái đó vi phạm nhân quyền. Một số người dân sẵn sàng kiện Trung Quốc như bà Như Hoa ở Đà Nẵng đã nói.

Tôi biết một số người dân ở Lý Sơn cũng sẽ sẵn sàng kiện Trung Quốc. Một số Việt kiều ở Mỹ, Pháp và luật sư ở Việt Nam sẽ hỗ trợ ngư dân làm hồ sơ theo chuẩn quốc tế để theo đuổi đến cùng vụ kiện này”.

huuneIVb.jpgPhóng to
Ông Murayama (trái) cùng chiếc áo phao lưu lại chữ ký của các thủy thủ, phóng viên trong nước và quốc tế - Ảnh: Hà Bình

Kỷ niệm đặc biệt của một nhà báo Nhật

Trên chuyến tàu ra Hoàng Sa, nhà báo Nhật Bản Murayama Yasufumi cẩn thận quay phim, chụp ảnh đời sống chiến sĩ trên tàu cảnh sát biển của Việt Nam. Đặc biệt, ông Murayama đã mua và mang theo một chiếc áo phao để nhờ mọi người... ký tên vào. Trên chiếc áo, ông thu thập được chữ ký của các chiến sĩ trên tàu, các phóng viên VTV, HTV, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, kể cả những phóng viên nước ngoài như New York Times (Mỹ), The Guardian (Anh), Kyodo News (Nhật Bản)... Ông Murayama bảo có hai lý do ông thu thập chữ ký của những người trên tàu: “Thứ nhất, đó là kỷ niệm cho chuyến đi mà tôi rất mong muốn. Tôi muốn biết thực tế ở vùng biển này đang xảy ra điều gì. Thứ hai, tôi sẽ đăng bức ảnh này lên báo để mọi người thấy được vùng biển này rất nóng bỏng, thu hút rất đông phóng viên trong nước và quốc tế...”.

HÀ BÌNH

HÀ BÌNH ghi (từ Hoàng Sa, Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên