Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Mẹ không bao giờ quên được bữa cơm cúng tổ tiên ngày mẹ đậu đại học. Bà ngoại con không giấu được niềm tự hào vì ít ra, nơi cái huyện heo hút miền Tây Nam Trung bộ, mẹ trong số ít học sinh trúng tuyển vào đại học.
Ngoại cười rạng rỡ. Dường như bao cực nhọc, đau buồn dằng dặc cuộc đời bà bay biến. Tháng 9 trời mưa dầm, bếp tắt, củi ướt. Ngoại giết gà nấu xôi. Khói bay mù mịt gian bếp. Những chiếc lá sớm lụi tàn, những miếng vỏ dừa còn ngậm nước bướng bỉnh không chịu cháy.
Nấu được bữa cơm, mặt mũi bà và mẹ lấm lem, nhòe nhoẹt nước mắt cay sè. Vậy mà mâm cơm cúng tổ tiên vẫn gọn gàng, tươm tất. Ngoại lâm râm khấn vái: “Người ta là hoa đất. Tôi tên là... đã sinh ra... Gần hai mươi năm nhờ đất, nhờ nước, nhờ Trời nay con tôi lớn lên khỏe mạnh. Nay con tôi phải đi xa, mong học khôn dại xứ người, mở mày mở mặt với người ta. Xin ĐẤT-NƯỚC-TRỜI nơi chôn nhau cắt rún phù hộ cho nó...”.
Giọng ngoại nghẹn đi. Con yêu, mẹ hiểu ngoại muốn nhắn nhủ với mẹ điều gì: dù có đi đến đâu, học thêm nhiều điều, đừng quên ngọn đèn - bếp lửa của một thời khốn khó...
Con gái yêu, ở bên kia bờ đại dương, con được học bao điều mới lạ. Nhưng có một bài học mà con chưa từng được trải nghiệm như mẹ. Đó là bài học về cây lúa.
Mẹ nhớ như in lời cô giáo vang vang, ong ong trong đầu mẹ: “Các em có hiểu vì sao lá lúa nhám bén, rất bén. Chúng có thể làm ta đứt tay?”. “Vì nó có chứa silic”. Kiến thức về chất silic làm lá lúa nhám bén cứa vào trái tim thơ trẻ của mẹ. Những chiếc lá lúa nhám bén luôn đi cùng với những bàn tay, bàn chân nứt nẻ của những người phụ nữ ở đồng bằng ẩm ướt.
Mẹ từng nhìn thấy gương mặt bà ngoại co rúm, nhăn lại vì đau đớn khi gặt lúa. Bà dùng dòng hái kéo mạn lúa vào lòng, những bông lúa lòa xòa ngã vào ngực bà. Một tay nắm lấy nạm lúa, tay kia bà dùng dòng hái cứa ngọt ngang thân. Những lá lúa nhám bén cắt vào những kẽ tay nứt của bà ngoại.
Bà ngoại đong chữ cho mẹ bằng những nạm lúa vàng thấm cả mồ hôi và máu. Con gái yêu, hình ảnh gương mặt sạm nắng nhăn lại vì đau đớn, khi những kẽ tay nứt nẻ của bà ngoại bị những chiếc lá lúa nhám bén cứa vào cứ theo suốt đời mẹ.
Mới mấy thập kỷ thôi; đất, nước, khí trời đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi biết bao nhiêu. Hai mươi năm trước, sau chuyến đi làm phim về GSTS Võ Tòng Xuân - người thầy dạy mẹ môn Cây lúa thời học khoa trồng trọt - Trường đại học Cần Thơ, chứng kiến nỗi ưu tư của ông về thực trạng các đập được xây dựng dọc thượng nguồn sông Cửu Long, mẹ đã viết cho con những dòng:
“Con đang sống trong một thời kỳ mà một thiên tai khủng khiếp có thể xảy ra vào khoảng giữa thế kỷ 21: mực nước biển dâng sẽ làm đồng bằng sông Cửu Long teo tóp dần và biến mất trong 150 năm, xóa đi lịch sử bồi tích kéo dài hàng ngàn năm trước đó. Chàng thủy tinh hung hãn lần này mang đến vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long sức tàn phá ghê gớm. Chưa kể đến tài nguyên sông Mekong bị khai thác bằng những con đập chắn từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan...
Khi về đến Việt Nam, lượng nước Mekong giảm dần, cùng với quá trình biển dâng, sẽ nhấn chìm đồng bằng thân yêu trong biển mặn. Nước, tiếng gọi nước ngọt lúc ấy sẽ dội vào đâu giữa tứ bề xôn xao sóng vỗ.
Mẹ quá bé nhỏ, con càng bé nhỏ mong manh. Nhưng tiền đồ của con thuộc về thế kỷ 21. Nói ra những điều xem chừng như lớn lao và viển vông này với con có lẽ là quá sớm. Mẹ thấy cần thiết để chia sẻ cùng con dự cảm ấy, để lớn lên, dù không làm gì được để góp phần ngăn chặn một thiên tai khủng khiếp thì con cũng có được sự đa cảm, băn khoăn lo lắng để cùng chia sẻ với đồng bào nỗi lo, bài toán khó giải đáp cho thế kỷ mà con sẽ sống".
Không quá sớm, cũng chẳng viển vông, chỉ mới 20 năm, con bước vào tuổi 20 tươi đẹp, thiên tai đã xảy ra. Tết rồi mẹ về quê, đồng lúa xơ xác, cỏ cháy, nước mặn xâm lấn. Gương mặt người dân lam lũ, héo hắt. Rơm rạ quê mình ngày xưa thơm ngọt hiền hòa biết bao.
Sau mỗi vụ lúa, những thân rạ lặng lẽ nằm trên đồng ruộng trả lại màu mỡ cho vụ sau. Những cây rơm chất đầy với những tai nấm ngọt ngào giờ đã lùi xa trong ký ức.
Để trồng nấm rơm, bà con phải đi xa mua rơm, rồi dung meo nhân tạo. Nấm rơm bây giờ chẳng ngon như ngày xưa. Bò thiếu cỏ phải mua rơm tận Long An, Campuchia. Đồng bằng không còn rơm rạ thì bi thảm biết chừng nào. Tôm tép cua cá bị thuốc trừ sâu cũng lặn mất tăm.
Ở bên kia bờ đại dương, mẹ biết con cũng biết tin tức quê nhà qua các trang mạng. Thế giới bây giờ quá phẳng. Mẹ chảy nước mắt khi nghe con gọi về tâm sự: “Mẹ biết không, lúc chưa đi làm thêm, thèm cục kẹo con cũng không dám ăn. Con là số ít học sinh quốc tế cả học kỳ mà không dám xài đến 500 đôla. Ngoại trừ chuyện mua sách. Con tìm mua sách cũ trên mạng để giảm chi phí mẹ à!”.
Con gái yêu, mẹ cảm ơn con vì sự chia sẻ đó, bởi con lớn lên từ những giọt nước mắt lặng lẽ của mẹ. Con thấu cảm những con chữ nhọc nhằn trong những đêm trắng mẹ vắt ra để nuôi con. Con bay đến những chân trời mơ ước bằng sự tích lũy nhọc nhằn của nhiều thế hệ.
Đó là những lá lúa nhám bén cứa vào kẽ tay nứt nẻ của bà ngoại, nỗi khắc khoải nhà nông trước hạn hán và xâm nhập mặn làm đồng lúa xác xơ. Học phí của con được chắt chiu từ những quả dừa treo, những bông lúa lép. Từ chái bếp lầm lụi tro than, bà ngoại đã cho mẹ tấm bằng đại học, để từ đó mẹ tích lũy cho đôi cánh ước mơ của con bay đến bên kia bờ đại dương.
Con gái yêu, vài chục ngàn đôla học phí cho con, ở một xứ sở nước mặn xâm nhập làm dừa treo lúa lép, mẹ biết mình phải nỗ lực hơn biết bao. Và mẹ cũng biết con đã nỗ lực biết chừng nào khi gửi về cho mẹ bảng điểm tốt. Mẹ cảm ơn con sự thấu cảm về một quê hương khốn khó, trĩu nặng ân tình tiết kiệm từng đồng xu lẻ, nuôi khát vọng về một tương lai ấm no, hạnh phúc.
Hơn 30 năm trước, từ giã đồng bằng lên Sài Gòn lập nghiệp văn chương bằng một chiếc giỏ rách, mẹ đã viết: “…Từ rơm rạ đồng bằng Tôi vươn tới chân trời khát vọng Loài chim chọn hạt và sơn ca thánh thót Cuộc đời nào tôi mắc nợ, bỏ quên Loài chim nào mãi gõ vào cây Mãi lưu luyến một bãi lầy châu thổ Mãi kết cỏ một lời nguyền thầm lặng Tiếng kêu thương tự trói buộc đời mình…”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận