20/12/2023 21:26 GMT+7

GS Võ Tòng Xuân - nhà khoa học Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng VinFuture

GS Võ Tòng Xuân trở thành nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam giành giải thưởng VinFuture với công trình 'Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh' trong lễ trao giải diễn ra tối 20-12 tại Hà Nội.

GS Võ Tòng Xuân cùng nhà khoa học người Mỹ gốc Ấn, GS Gurdev Singh Khush, đã giành giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

GS Võ Tòng Xuân cùng nhà khoa học người Mỹ gốc Ấn, GS Gurdev Singh Khush, đã giành giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ở mùa giải thứ ba, Việt Nam đã có nhà khoa học đầu tiên giành được giải thưởng Khoa học công nghệ VinFuture.

GS Võ Tòng Xuân cùng với nhà khoa học người Mỹ gốc Ấn, GS Gurdev Singh Khush, đã giành giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển với công trình "Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh". Hai nhà khoa học được vinh danh cho đóng góp quan trọng trong việc phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Theo đánh giá của hội đồng giải thưởng, cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗ lực của GS Gurdev Singh Khush và GS Võ Tòng Xuân trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu. 

Riêng GS Võ Tòng Xuân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. 

Nhờ các sáng kiến này, GS Xuân đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.

"Việc sử dụng các giống lúa kháng bệnh năng suất cao như IR36 và IR64 không chỉ làm giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng, mà còn hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần thúc đẩy tính bền vững của nông nghiệp trên toàn cầu", hội đồng giải thưởng đánh giá về công trình của hai GS.

"Ngoài ra, tiến bộ về năng suất lúa gạo trên toàn cầu đảm bảo rằng việc tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm ổn định trở nên công bằng và đáng tin cậy hơn. 

Phát kiến này có ảnh hưởng sâu rộng với những tác động tiềm năng đến cấu trúc kinh tế xã hội, bảo tồn môi trường và sức khỏe toàn cầu, và đóng vai trò to lớn trong việc kiến tạo một tương lai an toàn và bền vững hơn cho tất cả mọi người".

"Cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon

GS Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại tỉnh An Giang. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).

Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, ông đã trở về Việt Nam làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ. Sau đó ông lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975.

GS Võ Tòng Xuân là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế. Đặc biệt những năm 1980 - 1985, ông đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây.

Không chỉ nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo ở châu Phi.

Ông từng đảm nhiệm vị trí phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, hiệu trưởng Trường ĐH An Giang… và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Nhà giáo nhân dân.

GS Võ Tòng Xuân: Để xứng danh cường quốc lương thựcGS Võ Tòng Xuân: Để xứng danh cường quốc lương thực

TTO - Tôi mừng vì Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến của chuyên gia, chính quyền và doanh nghiệp cho phép xuất khẩu gạo trở lại, tuy nhiên quyết định cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 mới chỉ tháo gỡ được một phần cho doanh nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên