08/08/2005 12:25 GMT+7

GS sử học Trần Quốc Vượng đã ra đi

Theo Dân Trí - VietNamNet
Theo Dân Trí - VietNamNet

Cây đại thụ sử học, người thầy lớn của nhiều thế hệ học sinh, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã ra đi vào hồi 2 giờ 30 sáng 8-8-2005, tức ngày 4-7 năm Ất Dậu, vì căn bệnh ung thư thực quản.

ZfsyOB4W.jpgPhóng to
GS. Trần Quốc Vượng - Ảnh: VNN
“Tôi sinh vào 9 giờ kém 10 phút, ngày 12-12-1934, tức là vào giờ con chó (Tuất), ngày Sáu tháng Một năm Giáp Tuất tại Hải Dương, là dòng dõi con cháu nhà Trần. Theo khoa tử vi học phương Đông cổ truyền, số phận của tôi là ngọn lửa đầu non (Sơn đầu hoả) và thân phận của tôi là dịch chuyển (Thân cư thiên di )”.

Trong một cuốn sách, GS Trần Quốc Vượng tự bạch.

Tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Sử - Địa trường Đại học Văn khoa Hà Nội năm 1956, ngay lập tức ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1980 ông được phong hàm giáo sư. Ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ: Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học; giám đốc Trung tâm liên văn hoá ĐH Tổng hợp Hà Nội; trưởng môn Văn hoá học, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đồng thời từ năm 1989 ông đảm nhiệm chức vụ phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian VN, chủ nhiệm CLB Văn hoá ẩm thực VN, phó chủ nhiệm CLB Nghề truyền thống VN, Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội từ năm 1976. GS Trần Quốc Vượng còn là Chủ tịch đầu tiên của Hội Sử học Hà Nội.

Cũng trong lời Tự bạch in ở cuối một tập sách, ông viết: "...Tôi xuất thân trong một gia đình công chức, bố tốt nghiệp cao đẳng Canh nông, mẹ là nội trợ, tôi đứng cuối của hơn một chục anh chị em. Do mẹ và bố có trục trặc nên mẹ thường đem tôi về quê ngoại và rong chơi khắp nơi, một tuổi tôi đã có mặt ở Sài Gòn và Nam Vang.

Phải chăng vì thời thơ ấu tôi đã rong chơi như thế mà cho đến hôm nay cuối mùa Thu của cuộc đời tôi luôn thích và phải suốt tháng suốt năm rong ruổi khắp nước từ Cao Bằng - Lạng Sơn đến biên giới Việt - Hoa phía bắc đến Cà Mau, Côn Đảo phía nam và lang thang khắp Á - Âu - Mỹ - Úc. Nay vào tuổi bảy mươi, diễn biến của đời tôi đúng là như vậy. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng một năm tôi chỉ ở Hà Nội khoảng 100 ngày, những ngày còn lại là đi khắp chốn cùng quê, đào bới, phát hiện những “tầng” văn hoá…”

Máu ưa dịch chuyển cuốn hút ông ngay cả khi gặp nạn. Hè năm 1994 ông bị tai nạn gãy chân, vừa khỏi lại leo núi, trèo hang, lên rừng, xuống biển ở Quảng Trị, Quảng Nam. Cái chân tuy không được “xịn” như trước, có người đỡ đần đôi chút, song vẫn không bỏ việc điền dã. Ông bảo "điền dã là nguồn vui, nguồn trí thức, trí tuệ của tôi".

Chính từ những điều mắt thấy tai nghe tích góp từ những chuyến đi đã bổ sung cho những trang viết của Trần Quốc Vượng thêm phong phú sinh động. Hơn 40 năm qua ông đã viết hàng trăm bài nghiên cứu đăng ở các báo và tạp chí trong và ngoài nước, viết vài chục cuốn sách.

Năm 1960 ông phiên dịch, chú giải Việt sử lược, bộ sách lịch sử vào loại xưa nhất do người Việt Nam viết còn lưu truyền được đến ngày nay; năm 1973 chủ biên bộ Danh nhân Hà Nội 2 tập; năm 1975 cùng Vũ Tuân Sán viết Hà Nội ngàn xưa; năm 1976 cùng Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ viết Mùa xuân và phong tục Việt Nam.

Ngoài ra ông còn biên soạn các sách giáo khoa: Cơ sở khảo cổ học, Cơ sở văn hoá học,Lịch sử VN và một số sách chuyên môn như: Theo dòng lịch sử (1995); Việt Nam, cái nhìn địa văn hoá (1998).

Năm 2000, NXB Văn học in Văn hoá Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm của Trần Quốc Vượng. Tập sách 1.000 trang tập hợp 74 bài viết của ông đã được tái bản năm 2003. Có thể coi đó là những đóng góp quý báu của của GS Trần Quốc Vượng, xứng đáng được dân gian tôn vinh là một trong “tứ trụ” của ngôi nhà sử học VN: Lâm, Lê, Tấn, Vượng.

Con người vốn lớn tiếng bậc nhất trong nhiều vấn đề khoa học, từng tự nhận mình là “mõ làng” trong giới khoa học ở Hà Nội, sau cùng lại gục ngã vì căn bệnh quái ác, ung thư thực quản. Căn bệnh kịch phát vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán vừa qua và khi được phát hiện nó đã ở giai đoạn cuối. Vào thời điểm đó, con gái của GS cũng qua đời vì căn bệnh ung thư; nỗi đau đó đã khiến ông suy sụp nhanh hơn.

Vĩnh biệt thầy người thầy lớn của nhiều thế hệ học sinh.

GS Trần Quốc Vượng: Khảo cổ học VN - nơi hội tụ của khoa học, lịch sử và văn hóa

Theo Dân Trí - VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên