Trong ngày 20-4 có khoảng 15.000 du khách về dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng - Ảnh: NAM TRẦN
Trong khuôn khổ sự kiện giới thiệu bộ sách lịch sử của học giả Nguyễn Hiến Lê và cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê do Bizbooks tổ chức ngày 20-4 tại Hà Nội, nhân Ngày sách Việt Nam và giỗ Tổ Hùng Vương vào 21-4, nhà sử học Lê Văn Lan đã có buổi trò chuyện về thời đại Hùng Vương vốn còn nhiều dấu hỏi với người trẻ.
Những chuyện huyền hoặc?
Theo ông Lan, chính vua Tự Đức của nhà Nguyễn vốn nổi tiếng là một nhà vua uyên bác thì trong chỉ đạo các sử thần làm bộ sách lịch sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng ghi:
"Đây là những câu chuyện trâu, ma, rắn, thần. Vậy Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân chưa rõ nguồn cội và sự tích ra sao thì chép chữ nhỏ xuống dưới phụ chú cho mục Hùng Vương viết chữ to".
Việc vua Tự Đức coi đây là thời "trâu, ma, rắn, thần" bởi cuốn sách sử Việt đầu tiên nhắc tới thời Hùng Vương được biết tới cho đến nay là cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, do Ngô Sĩ Liên (thời nhà Lê, thế kỷ XV) làm tổng chủ biên, có phần mở đầu gọi là phần ngoại truyện có tên Kỷ Hồng Bàng, nghĩa là chuyện huyền hoặc và lơ mơ, là phụ, chép thế thôi.
Tuy thế, Kỷ Hồng Bàng cũng được chia ba phần: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương.
"Như vậy, thời Vua Hùng mà vua Tự Đức cho là huyền hoặc là do bắt nguồn từ việc Ngô Sĩ Liên viết Kỷ Hồng Bàng trong Đại Việt sử ký toàn thư", ông Lan nói.
Còn Ngô Sĩ Liên sở dĩ gọi Kỷ Hồng Bàng là bởi ông đã viết cuốn sách trong hoàn cảnh mà tinh thần của chiến thắng quá lớn năm 1427 - 1428 với quân Minh nên dễ sinh ra tâm thức tự tôn, tư tưởng vô tốn (không cần khiêm tốn với ai).
Muốn tự hào về lịch sử 4.000 năm của nước Đại Việt, nhưng phần sử sách ghi chép về thời 2.000 năm trước Công nguyên không còn/không có nên Ngô Sĩ Liên tìm ra giải pháp là sưu tập tất cả sách vở trong thiên hạ lúc bấy giờ về thời này và chủ yếu là sách viết về những chuyện huyền hoặc, thần tiên, hoang đường như bộ Sưu thần ký ghi chép chuyện thần linh của Trung Quốc, trong đó có những chuyện về Thần Nông, Đế Nghi, Đế Minh, Kinh Dương Vương...
Nhà sử học Lê Văn Lan
"Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng"
Trong 4 năm 1969 - 1972, một nhóm các nhà sử học uy tín do GS Phạm Huy Thông đứng đầu đã có một đợt nghiên cứu chuyên về thời kỳ này từ sáng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Sáu nhà nghiên cứu gồm những tên tuổi như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Đổng Chi, Lê Văn Lan... tập hợp chuyên gia trên nhiều lĩnh vực: khảo cổ, ngôn ngữ học, văn hóa học, mỹ học... để nghiên cứu thời đại Hùng Vương. Ông Lan là tổ trưởng tổ nghiên cứu văn hóa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trống đồng, văn hóa Đông Sơn tương ứng với thời đại Hùng Vương. Trống đồng chính là mô hình thế giới vũ trụ của người Việt dưới thời Hùng Vương gồm 3 tầng, 4 thế giới. "Thời đại Hùng Vương là có thực", ông Lan khẳng định.
Ông cũng dẫn chứng thêm cuốn Đại Việt sử lược được đưa về Trung Quốc từ thời nhà Minh được mở đầu bằng câu: "Vào thời Chu Trang Vương, ở bộ Gia Linh có dị nhân dùng ảo thuật át phục các bộ lạc khác lên làm vua xưng là Hùng Vương".
Ngoài ra, 4 câu vẫn được chép lại trong Thiên Nam ngữ lục ghi lời thề của Hai Bà Trưng ở buổi xuất quân cũng nhắc đến "họ Hùng": Một xin rửa sạch quốc thù/Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng/Ba kẻo oan ức lòng chồng/Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.
Đặc biệt, theo ông Lan, để chứng minh sự hiện hữu chắc chắn của thời đại Hùng Vương có thể căn cứ vào quốc hiệu đầu tiên của nước ta là Văn Lang.
Theo ông, sự sáng tạo ra quốc hiệu ấy thuộc về thời đại Hùng Vương, không phải là thời đại "trâu, ma, rắn, thần" mà là thời đại "tư duy, suy nghĩ" để tìm ra được một quốc hiệu cho đất nước. Từ những nghiên cứu ngôn ngữ học lịch sử, ông Lan cho rằng quốc hiệu Văn Lang có nghĩa là "đất nước của người".
Nhiều hoạt động mừng giỗ Tổ
* Hôm nay (21-4, nhằm mùng 10 tháng 3 âm lịch), lễ giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra tại Khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ) chỉ bao gồm phần lễ dâng hương trang trọng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ và đại diện nhân dân.
Để phòng chống dịch COVID-19, phần khai hội sẽ không được tổ chức như các năm trước dịch. Theo ông Lê Trường Giang - giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng, dự kiến hôm nay khu di tích sẽ đón trên 20.000 du khách; đề phòng trường hợp người dân đổ về quá đông, ban tổ chức đã có phương án phân luồng từ xa.
* Tại TP.HCM, đúng 7h hôm nay, lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương khai mạc ở Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (phường Long Bình, TP Thủ Đức).
Ngay sau lễ dâng hoa Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sẽ diễn ra nghi thức lễ giỗ Tổ Hùng Vương, tiếp đó là các hoạt động như: biểu diễn võ cổ truyền, múa rồng, trống hội, hội trại truyền thống "Tự hào nòi giống Tiên Rồng"...
Tối cùng ngày, tại đây sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật mừng lễ giỗ Tổ Hùng Vương có chủ đề "Bài ca Lạc Việt".
Tại công viên văn hóa Đầm Sen, lễ giỗ Tổ diễn ra từ 8h đến 21h từ ngày 21-4 đến hết ngày 25-4.
Du khách đến đây có thể dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng tại quảng trường Vua Hùng. Dịp này, Đầm Sen phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 11 tổ chức hội thi gói, nấu bánh chưng và trao tặng 1.000 bánh chưng cho khách tham quan.
Sáng 21-4, Bảo tàng áo dài (TP Thủ Đức) cũng tổ chức nhiều hoạt động như: triển lãm áo dài đỏ với chủ đề "Sắc thắm", trình diễn nghệ thuật dân gian "Múa mâm vàng", giới thiệu sự tích về món bánh chưng bánh giầy...
Khu vực đền chính tại đền thờ Vua Hùng, TP Cần Thơ - Ảnh: T.LŨY
* Trong khi đó, Cần Thơ sẽ lần đầu tổ chức lễ giỗ Tổ tại đền thờ Vua Hùng (quận Bình Thủy) vào sáng nay. Đền thờ Vua Hùng được khởi công xây dựng từ tháng 6-2019, hiện đang được hoàn thiện để kịp khánh thành vào dịp lễ 2-9, riêng khu vực đền chính đã cơ bản hoàn thành. Lãnh đạo TP Cần Thơ mong muốn đây sẽ là công trình văn hóa, tâm linh để người dân khu vực ĐBSCL nhớ đến và tìm về cội nguồn.
H.PHƯƠNG - T.ĐIỂU - C.TUỆ - T.LŨY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận