27/12/2003 13:00 GMT+7

GS Hoàng Tụy: 3 biện pháp cấp bách đưa giáo dục ra khỏi nguy kịch

THANH HÀ ghi
THANH HÀ ghi

TTCN - Nói cho đúng, từ ngày đất nước mở cửa, giáo dục (GD) cũng có khá nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Vài năm trở lại đây cũng đã bắt đầu một số cải cách. Tuy nhiên, những thay đổi hay cải cách đó cũng giống như những sửa chữa cơi nới ở các khu nhà tập thể xây dựng từ thời bao cấp. Thực chất vẫn là cái nhà cổ lỗ ấy xây dựng từ ba bốn mươi năm trước, càng sửa chữa, cơi nới càng dị dạng, bỏ thì thương vương thì tội.

iYsRIxio.jpgPhóng to
Ảnh: Đoàn Đức Minh
TTCN - Nói cho đúng, từ ngày đất nước mở cửa, giáo dục (GD) cũng có khá nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Vài năm trở lại đây cũng đã bắt đầu một số cải cách. Tuy nhiên, những thay đổi hay cải cách đó cũng giống như những sửa chữa cơi nới ở các khu nhà tập thể xây dựng từ thời bao cấp. Thực chất vẫn là cái nhà cổ lỗ ấy xây dựng từ ba bốn mươi năm trước, càng sửa chữa, cơi nới càng dị dạng, bỏ thì thương vương thì tội.

GD của ta cũng giống như cái nhà ấy, nó rất khác mọi nền GD bình thường ở các nước. Được xây dựng và quản lý theo những quan niệm cũ kỹ, nó không giống ai, không theo qui củ thông thường, cho nên rốt cục rất tốn kém, càng phát triển càng đòi hỏi đầu tư phi lý vì qui mô và chất lượng hầu như đã đạt đến mức giới hạn trong điều kiện vật chất cho phép của đất nước hiện nay. Đã như vậy mà cứ loay hoay sửa chữa và cơi nới thì tất yếu phải gặt hái những kết quả như đã thấy mấy năm vừa qua.

Để vừa nâng cao được chất lượng GD mà vẫn mở rộng qui mô GD, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân, chỉ có một cửa thoát duy nhất là hiện đại hóa GD. Hiện đại hóa không chỉ để mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng mà còn để hội nhập quốc tế, đó là con đường duy nhất tránh cho GD nước ta khỏi tụt hậu xa hơn nữa.

Nhưng để hiện đại hóa GD, trước hết ngành GD phải cấp thiết cắt bỏ ba “khối u dị dạng” của nó: Thứ nhất, thi cử nặng nề, có vẻ như chặt chẽ, tưởng như bằng cấp phải có giá trị lắm, nhưng không phải, học giả, bằng giả, cử nhân, tiến sĩ dỏm đầy rẫy. Thứ hai, cả nước lao vào dạy thêm học thêm với cường độ và qui mô hiếm thấy, tưởng như chất lượng GD-ĐT phải cao lắm, nhưng không phải, chất lượng thấp kém đáng kinh ngạc. Thứ ba, sách giáo khoa thường xuyên được chỉnh lý hay biên soạn mới, huy động những nguồn tài chính khổng lồ, năm nào cũng in với số lượng lớn, tưởng chừng phải thúc đẩy GD phát triển hết cỡ, nhưng không phải, chất lượng sách vẫn ì ạch, chỉ có giá sách cứ cao ngất ngưởng.

Ba “khối u” này đã mọc và sống tầm gửi trên cơ thể GD từ nhiều năm nay. Hậu quả của những “khối u” nói trên là chi phí GD phình to, hiệu quả đầu tư cho GD ở VN rất thấp. Còn giữ ba “khối u” đó thì không biện pháp cải cách nào có thể thành công...

Tôi nói nguy kịch không phải để rung tiếng chuông báo động giả mà để diễn tả đúng thực trạng khủng hoảng mà nền GD đang trải qua.

Một là phải cải cách thi cử theo kinh nghiệm các nước tiên tiến. Tại sao không nghĩ đến việc bỏ hẳn một số kỳ thi và thay đổi cách tuyển sinh ĐH, lại cứ loay hoay mãi với những chuyện như “hai chung”, “ba chung”, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, thi trắc nghiệm hay tự luận...? Theo tôi, nên mạnh dạn học tập nhiều nước, bỏ hết các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS, THPT mà tăng cường kiểm tra nghiêm túc thường xuyên trong quá trình học, nhất là ở các lớp cuối cấp rồi xét kết quả học tập để phát bằng tiểu học, THCS, tú tài. Như vậy giả sử có tỉ lệ 90% HS được cấp bằng tú tài cũng chẳng sao, vì giá trị của bằng này chỉ để xác nhận đã học hết chương trình THPT với những kết quả ghi trong học bạ. Còn để tuyển vào ĐH thì cần phải có một kỳ thi toàn quốc, nhưng không phải để tuyển ngay mà chỉ để kiểm tra trình độ tối thiểu cần thiết cho việc theo học ĐH. Vì chỉ cần kiểm tra trình độ tối thiểu cần thiết nên có thể thi trắc nghiệm. Sau đó chỉ những người đã vượt được qua kỳ thi này mới được dự tuyển vào các trường ĐH. Còn việc xét tuyển như thế nào do từng trường ĐH tự tổ chức theo phương thức thích hợp nhất với yêu cầu đào tạo của từng trường (chẳng hạn như theo hồ sơ, kết hợp với phỏng vấn).

Hai là cải cách tiền lương và xóa bỏ dạy thêm, học thêm. Chính sách tiền lương đối với giáo viên phải thay đổi, tối thiểu phải đảm bảo cho giáo viên một mức sống đàng hoàng theo trình độ tăng trưởng của nền kinh tế. Do tình hình thực tế hiện nay khó có thể giải quyết tiền lương cùng một lúc cho tất cả các ngành, Nhà nước nên tập trung giải quyết trước hết cho GD. Đối với GD cứ căn cứ tình hình thực tế ở các địa phương qui định một mức học phí chính thức là toàn bộ khoản thu mà HS phải đóng góp. Dĩ nhiên khoản phí này phải khác nhau tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương và kèm theo phải có chính sách học bổng, trợ cấp cho HS nghèo. Số học phí đó cùng khoản chi từ ngân sách thích hợp là nguồn tài chính để trả lương cho giáo viên đủ đảm bảo cho họ một mức sống tử tế mà không cần dạy thêm. Sau đó nghiêm túc thực hiện việc cấm dạy thêm, để giáo viên có thời gian học nâng cao, trau dồi thêm chuyên môn và chăm sóc, giúp đỡ HS tự học.

Ba là cải cách việc biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa. Cách làm hiện nay chưa thích hợp, cần chấn chỉnh, học tập kinh nghiệm của nước ngoài để tiến đến sách giáo khoa ổn định, in chắc chắn, đẹp, hấp dẫn về hình thức cũng như nội dung. Sách giáo khoa phải được bán cho các nhà trường để HS thuê, mượn là chủ yếu.

Trong ba giải pháp trên thì việc cải cách tiền lương là mấu chốt nhất nhưng lại đòi hỏi Nhà nước phải trực tiếp can thiệp. Đã đến lúc cần sự can thiệp trực tiếp ấy mới có thể cứu nền GD của chúng ta ra khỏi nguy kịch.

THANH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên