07/08/2019 06:57 GMT+7

Graham Alliband: Cựu đại sứ 47 năm gắn bó với Việt Nam

CÁT KHUÊ thực hiện
CÁT KHUÊ thực hiện

TTO - Graham Alliband - cựu đại sứ Úc tại Việt Nam - trò chuyện cùng Tuổi Trẻ về sự thay đổi của Việt Nam trong cách nhìn nhận của một người nước ngoài từ quen biết đến thân thuộc đất nước này.

Graham Alliband: Cựu đại sứ 47 năm gắn bó với Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Graham cứu trợ gạo cho Sơn La sau lũ lụt vào năm 1991

Graham Alliband vừa được Trường đại học Nông Lâm - đại học Thái Nguyên trao bằng tiến sĩ danh dự - một hành trình mới của ông với đất nước ông đã gắn bó 47 năm.

Việt Nam đã thay đổi rất lớn

* Chúc mừng ông vừa nhận được bằng tiến sĩ danh dự từ một trường đại học của Việt Nam. Cống hiến và sống phần lớn cuộc đời của mình ở đây, ông có thể nói về những thay đổi cơ bản của Việt Nam kể từ khi ông đặt chân lên vùng đất này vào năm 1972?

- Tôi đang trả lời với tư cách cá nhân, không phải thay mặt cho Chính phủ Úc. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam là vào tháng 1-1972, với tư cách là một nhà ngoại giao trẻ tại Đại sứ quán Úc ở Sài Gòn.

Năm 1972, tôi có thể nghe thấy tiếng bom Mỹ, tôi đã tận mắt thấy những ngôi làng bị phá hủy, thăm trại của những người dân tàn phế chạy trốn chiến tranh...

Tháng 1-1978, tôi được cử làm bí thư thứ nhất Đại sứ quán Úc tại Hà Nội (Đại sứ quán Úc có mặt ở đây từ năm 1973).

Tháng 1-1981, tôi rời Bộ Ngoại giao để làm giám đốc một tổ chức phi chính phủ Úc về các dự án viện trợ nước ngoài.

Công việc này đưa tôi đến Việt Nam lần thứ ba. Chúng tôi đã viện trợ những chiếc máy vắt sữa đầu tiên cho trang trại bò sữa Mộc Châu, vật tư y tế cho Bệnh viện Thanh Trì, thiết bị thụ tinh nhân tạo gia súc cho Nông trường Ba Vì.

Graham Alliband: Cựu đại sứ 47 năm gắn bó với Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Graham Alliband nhận học vị Tiến sĩ danh dự tại trường đại học Nông Lâm - đại học Thái Nguyên - Ảnh: website Đại học Thái Nguyên

* Trở thành đại sứ Úc tại Việt Nam giai đoạn 1988-1991, giai đoạn đất nước chúng tôi vừa Đổi mới, những gì là ấn tượng khó quên với ông ở nhiệm kỳ quan trọng này?

- Lần tái ngộ Việt Nam này đúng là đầy mãn nguyện tiếp theo, lúc đó tôi ở tuổi 43.

Thời điểm đó, làn gió của Đổi mới mang lại một sức sống cho Việt Nam và đất nước bắt đầu thay đổi theo nhiều cách.

Doanh nghiệp tư nhân tái sinh, các nhà hàng và quán cà phê bắt đầu mở tại Hà Nội, một vài chiếc xe thuộc sở hữu tư nhân đầu tiên đã xuất hiện trên đường phố. Đèn đường đã sáng ở Hà Nội vào đầu năm 1989.

Tôi vừa có một tháng xuyên Việt bằng ôtô từ Hà Nội đến Cà Mau. Sự tương phản giữa lần đầu tiên tôi đi du lịch đường bộ từ Hà Nội đến Sài Gòn và Đà Lạt vào năm 1990 với bây giờ là rất lớn.

Graham Alliband: Cựu đại sứ 47 năm gắn bó với Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Graham Alliband ở Hà Nội tháng 7-2019 - Ảnh: NAM TRẦN

* Với cương vị đại sứ Úc tại Việt Nam trong giai đoạn rất khó, ông đã góp phần không nhỏ giúp thay đổi chính sách của Việt Nam đối với Úc và phương Tây?

- Trong thời gian tôi là đại sứ Úc ở Việt Nam, quan hệ đối ngoại của đất nước các bạn bắt đầu vươn ra các nước phương Tây. Động thái này được đẩy nhanh sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1990.

Là một trong số ít các nước tư bản có đại sứ quán tại Hà Nội, để giúp tăng cường viện trợ cho Việt Nam, Úc đã hỗ trợ Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại và chấm dứt sự cô lập ngoại giao với phương Tây, ngay cả khi đối mặt với sự phản đối từ Mỹ - một đồng minh thân cận của Úc, và Singapore.

Một sự kiện mà tôi tự hào có mặt là cuộc gọi điện thoại đầu tiên tôi đã thực hiện từ TP.HCM đến Úc bằng kết nối viễn thông quốc tế mới thông qua hệ thống vệ tinh INTELSTAT do Công ty OTCI của Úc lắp đặt.

Sự kiện này là một biểu tượng chứng minh Việt Nam đã gia nhập cộng đồng quốc tế và chấm dứt sự phụ thuộc công nghệ hoàn toàn vào Liên Xô.

Trước đây, tất cả các cuộc gọi điện thoại quốc tế được trung chuyển qua Matxcơva và có thời gian chờ đợi từ 5 đến 6 giờ.

Graham Alliband: Cựu đại sứ 47 năm gắn bó với Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Graham Alliband gọi cuộc gọi quốc tế thử nghiệm từ Việt Nam nối thẳng qua vệ tinh Úc - Ảnh: NVCC

Bảo tồn di sản không chỉ cho Việt Nam

* Thưa ông, là người đứng đầu một số dự án liên quan đến giáo dục và phát triển của Úc tại Việt Nam, ông thấy giáo dục Việt Nam thiếu và yếu nhất những gì để có thể góp phần giúp đỡ cũng như thay đổi?

- Vài năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Đáng chú ý là những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện hệ thống giáo dục hướng nghiệp để sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu lao động của khối kinh tế tư nhân.

Điểm yếu thiếu việc nghiên cứu tại các trường đại học đang được khắc phục thông qua các quy định mới mang lại nhiều ưu đãi cho việc nghiên cứu.

Các trường đại học sẽ có thể tự chủ mức lương của giảng viên và việc tăng lương sẽ tạo ra động lực cho các học giả thêm thời gian cho việc nghiên cứu.

* Du học đã trở nên rất phổ biến với giới trẻ Việt Nam; tuy nhiên theo ông, làm thế nào để việc du học thực sự hữu ích? Sinh viên Việt Nam cần những kỹ năng gì nhất để giúp họ tìm kiếm việc làm sau đó?

- Hiện có khoảng 25.000 sinh viên Việt Nam đang học tại Úc, phần lớn trong số họ tự túc và một phần rất lớn đang học tiếng Anh.

Rõ ràng việc tiếp nhận kiến thức bằng tiếng Anh sẽ có ích khi Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào cộng đồng quốc tế.

Sự thật là nhiều người học tại Úc hai năm trở lên sẽ đạt những thay đổi đáng kể trong cách suy nghĩ, tiếp cận công việc và cuộc sống khi trở về.

Những sinh viên du học sẽ có các kỹ năng phù hợp với nhu cầu nhà tuyển dụng cần, bao gồm tư duy phân tích và logic, cách tiếp cận dựa trên bằng chứng để vạch quyết định, khả năng giao tiếp mạch lạc trong các bối cảnh khác nhau và khả năng làm việc trong nhóm. Nhiều người sẽ tìm được sự hiểu biết mới về tầm quan trọng của bình đẳng giới trong gia đình và trong đời sống xã hội nói chung.

Graham Alliband: Cựu đại sứ 47 năm gắn bó với Việt Nam - Ảnh 5.

Ông Graham Alliband hiện là tư vấn ngắn hạn cho dự án Aus4skills của chính phủ Úc. - Ảnh: NAM TRẦN

* Ông rất yêu và luôn tìm đến các di sản của chúng tôi như vịnh Hạ Long, chùa Hương, Bát Tràng, kinh đô Huế... Ông nhận thấy những gì tốt và xấu trong cách các di sản này đang được bảo tồn và "phát triển"?

- Bảo tồn hệ thống di sản phong phú của Việt Nam là một thách thức. Làm cách nào để giữ lại các giá trị độc đáo và đẹp đẽ trước những yêu cầu chính đáng của du lịch địa phương cũng như quốc tế?

Là một người đã đến thăm Hạ Long hơn 100 lần, tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên độc đáo của nó, tôi thực sự thất vọng về quy mô phát triển hiện tại ở đây, đặc biệt là việc lắp đặt hệ thống cáp treo khổng lồ và bánh xe đu quay trên một đỉnh núi.

Ngược lại, việc bảo tồn các công trình lịch sử ở Huế mà tôi vừa ghé thăm thì rất ấn tượng.

Công việc phục hồi thành quách, lăng mộ của các cựu hoàng đã được thực hiện với chất lượng tay nghề cao nhất cùng sự bảo trì tận tâm. Cách ứng xử với khách du lịch ở đây cũng rất có hệ thống và phù hợp.

Theo tôi, đã đến lúc Việt Nam cần có một cơ quan mang tầm quốc gia đủ mạnh giám sát những hoạt động phát triển có liên quan đến các di sản thiên nhiên cũng như di sản lịch sử độc đáo, để đảm bảo yếu tố thương mại không được phép làm hỏng những giá trị này.

Chúng ta cần bảo tồn các di sản không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn cho cả nhân loại, dù rằng tôi nghĩ đối với một số di sản, điều này đã là quá muộn.

Rolls Royce là sự khoa trương chưa thích hợp với xã hội Việt Nam

* Ông từng được tham khảo về việc đánh giá các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Theo ông, Việt Nam nên ứng xử thế nào để duy trì các giá trị đó?

- May mắn thay, Việt Nam đã bảo tồn phần lớn các giá trị văn hóa. Tôi đã chứng kiến sự phục hồi văn hóa truyền thống của các bạn trong hai thập kỷ qua, sự hồi sinh của các lễ hội làng, làn sóng xây mới cũng như duy tu, sửa chữa chùa, đền thờ và nhà thờ.
Một khía cạnh quan trọng của giá trị xã hội Việt Nam là truyền thống đại gia đình và sự gìn giữ nếp nhà, phong tục lễ tết khác nhau. Mô hình này khá gần với Nhật Bản, một đất nước đã bảo tồn đáng kể các giá trị văn hóa xã hội của họ cho dù họ cũng đồng thời sở hữu một nền kinh tế phát triển cao.
Việt Nam cần học gì từ thế giới ư? Điều quan trọng nhất là cách suy nghĩ. Thêm nữa, cần cởi mở, minh bạch và công bằng trong các quan hệ kinh tế, chẳng hạn trong công tác tuyển dụng, xúc tiến công việc, cũng như bớt đi hiện tượng dựa dẫm vào quan hệ cá nhân hay quan hệ gia đình, cũng như nạn móc ngoặc đút lót, khi chuyển giao các hợp đồng làm ăn.
Còn những gì nên tránh? Có lẽ ảnh hưởng tồi tệ nhất từ phương Tây và những nước phát triển Việt Nam vẫn nên tránh, đó là chủ nghĩa thực dụng và việc xây dựng những hệ giá trị dựa trên vật chất, trong khi bỏ qua giá trị tinh thần và tính nhân bản. Sự xuất hiện của những chiếc xe sang trọng như Rolls Royce và Ferrari trên đường phố Hà Nội, với tôi, là biểu hiện của sự khoa trương vật chất chưa tương thích với xã hội Việt Nam.

Tháng 1-1972, ông Graham Alliband là bí thư thứ ba, Đại sứ quán Úc tại Sài Gòn.

Sau 7 năm làm giám đốc một tổ chức phi chính phủ Úc, ông được bổ nhiệm vào vị trí đại sứ Úc tại Việt Nam giai đoạn 1988-1991.

Năm 2007-2008, ông là giám đốc một dự án nâng cao năng lực của Anh làm việc với Bộ Phát triển nông thôn và Bộ Nông nghiệp Afghanistan.

Sau đó, ông trở thành giám đốc cho bốn dự án phát triển của Chính phủ Úc tại Việt Nam từ năm 1997-2018 (bốn dự án gồm: Dự án đào tạo Việt Nam, Chương trình học bổng Úc, Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực - Aus4Skills và Dự án xây dựng năng lực quản trị hiệu quả.

Ông vừa được Trường đại học Thái Nguyên trao bằng tiến sĩ danh dự vì những đóng góp cho giáo dục của hệ thống trường đại học này.

Úc đứng về lẽ phải ở Biển Đông Úc đứng về lẽ phải ở Biển Đông

TTO - Để hiểu rõ tầm quan trọng của việc Úc ủng hộ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông thì cần nhìn vào mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Úc.

CÁT KHUÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên