06/08/2019 07:02 GMT+7

Úc đứng về lẽ phải ở Biển Đông

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Để hiểu rõ tầm quan trọng của việc Úc ủng hộ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông thì cần nhìn vào mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Úc.

Úc đứng về lẽ phải ở Biển Đông - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds - Ảnh: AFP

Cuộc họp thường niên có tên gọi Tham vấn bộ trưởng Úc - Mỹ (AUSMIN) luân phiên giữa các viên chức hàng đầu ngoại giao và quốc phòng hai nước vừa mới kết thúc tại Canberra. Hai bên có thảo luận cuộc thương chiến Mỹ - Trung và hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vấn đề Trung Quốc thể hiện rõ sự thống nhất trong cách tiếp cận giữa Mỹ và Úc khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo ngắn với Ngoại trưởng Úc - bà Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc - bà Linda Reynolds nói rằng: "Mỹ và Úc đều quan ngại về Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông và cả hai đang theo dõi các đầu tư mà làm cho bạn bè của chúng ta lún sâu vào nợ nần và tham nhũng".

Điều này ám chỉ tới hành động hung hăng cũng như các đầu tư tai tiếng trong dự án Vành đai - con đường của Trung Quốc.

Ngôn ngữ của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thể hiện quan điểm chung Mỹ - Úc có phần mạnh mẽ hơn: "Trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sức mạnh không quyết định vị thế và cũng không quyết định vận mệnh. Mỹ sẽ không đứng yên trong khi một quốc gia nào đó cố gắng định hình lại khu vực theo cách có lợi cho mình nhưng lại gây tổn hại cho các quốc gia khác. Chúng tôi biết rằng các đồng minh và các đối tác của chúng tôi cũng sẽ không đứng yên".

Trước đó, tại Hội nghị ngoại trưởng Đông Nam Á mở rộng tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 30-7 đến 3-8, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cùng với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Nhật Taro Kono đưa ra một thông cáo chung hiếm hoi của bộ ba bên lề hội nghị để chỉ trích các hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Thông cáo nêu rõ: "Các ngoại trưởng thể hiện sự tái cam kết đối với luật pháp quốc tế và tầm quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực hàng hải". Mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng bản thông cáo chỉ trích "các hành động đơn phương cưỡng ép thay đổi tình trạng hiện thời và gia tăng căng thẳng như cải tạo đảo, xây dựng các đơn vị đồn trú, quân sự hóa các đảo tranh chấp và các hành động khác gây thay đổi vĩnh viễn về mặt vật lý đối với môi trường biển trong khu vực vẫn còn chưa phân định".

Đây không phải là lần đầu tiên Úc thể hiện quan điểm rõ ràng của mình về khu vực Biển Đông. Vào tháng 6 năm ngoái, khi còn giữ chức bộ trưởng quốc phòng, bà Marise Payne tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore: "Các quốc gia có quyền tự do không bị cưỡng ép hay bị chỉ trích khi họ truyền đạt sự phản đối hợp pháp và hợp lý của họ đối với hành vi của các quốc gia khác. Điều này thể hiện sự mong đợi chính đáng của chúng tôi rằng luật lệ, chứ không phải việc thể hiện sức mạnh, ấn định hành động của chúng tôi".

Để hiểu rõ tầm quan trọng của việc Úc ủng hộ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông thì cần nhìn vào mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Úc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc với tổng kim ngạch hơn 183 tỉ USD trong năm 2017. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường cho gần 1/3 hàng hóa xuất khẩu của Úc. Các ngành công nghiệp dịch vụ của Úc như du lịch và giáo dục cũng lệ thuộc vào số lượng lớn du khách và du học sinh từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Trung Quốc có thể gây sức ép lên chính sách đối ngoại của Úc khi bà Payne tuyên bố rằng: "Chúng tôi làm việc chặt chẽ với các đối tác chính của chúng tôi, đối tác đồng minh mạnh mẽ nhất - Hoa Kỳ, và đối tác thương mại chủ chốt - Trung Quốc, để theo đuổi các vấn đề ổn định, an ninh và thịnh vượng".

Quan điểm của Úc cũng song trùng với quan điểm của Việt Nam về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Luật lệ chính là lẽ phải, và chính luật lệ mới mang lại sự gắn kết bền chặt giữa các quốc gia, chứ không phải sức mạnh cơ bắp.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0