10/03/2020 17:29 GMT+7

Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Chiều 10-3, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên bác kháng cáo của Vinasun, bác kháng cáo của Grab và kháng nghị của VKS, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo đó, Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng.

Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ - Ảnh 1.

HĐXX phiên phúc thẩm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo đó, HĐXX nhận định: Về tố tụng, cấp sơ thẩm xác định tranh chấp giữa các bên là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa kinh tế - TAND TP.HCM là có căn cứ. Do đó, kháng cáo của bị đơn về việc tòa án không có thẩm quyền giải quyết là không có căn cứ.

Về nội dung, đề án 24 cho phép bị đơn thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong vận chuyển hành khách theo hợp đồng, tức là bị đơn chỉ được cung cấp ứng dụng kết nối hợp tác xã vận tải với khách hàng.

Bị đơn cho rằng bị đơn không can thiệp vào giá cước, cách vận hành quản lý xe và tài xế. Tuy nhiên, trên thực tế bị đơn đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng xe taxi bởi lẽ bị đơn thực hiện hoạt động của 1 đơn vị kinh doanh vận tải như lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ lái xe, tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, thực hiện cung cấp thông tin hai chiều cho lái xe và khách hàng, điều động xe, quyết định hành trình xe, giá cước, triển khai các chương trình khuyến mãi...

Qua đó chứng minh bị đơn đã sử dụng phần mềm, biết các đối tác sử dụng phần mềm của mình phải phụ thuộc vào sự quản lý của mình. Cụ thể, bị đơn chia tỉ lệ lợi nhuận theo tỉ lệ nhất định với tài xế, tiếp nhận phản hồi của khách hàng để quyết định thưởng phạt với tài xế. 

Những cách thức trên thể hiện đó là hoạt động của 1 đơn vị vận tải nhưng lại quản lý theo khung pháp luật đối với hoạt động thương mại điện tử. Cách thức kinh doanh của bị đơn không phải là cung cấp kết nối hành khách và lái xe theo đề án 24, mà là kinh doanh vận tải taxi. Mà việc kinh doanh vận tải taxi phải tuân thủ nghị định 86.

Tòa phúc thẩm đánh giá rằng trong thời đại 4.0, bị đơn đã cung cấp 1 loại hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, tận dụng xe nhàn rỗi, người lao động có thêm thu nhập, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Lợi ích bị đơn mang lại là không thể phủ nhận.

HĐXX tuyên án - Video: NGỌC PHƯỢNG

Tuy nhiên, mô hình này đang gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp vận tải nói riêng, các doanh nghiệp taxi truyền thống nói chung. Bởi bị đơn không phải đóng các loại thuế như các doanh nghiệp vận tải, không phải chịu điều kiện kinh doanh như taxi, không phải gắn logo...

HĐXX cho rằng có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của bị đơn và thiệt hại của nguyên đơn. Tòa án sơ thẩm cho rằng thiệt hại do sụt giảm vốn hóa thị trường của nguyên đơn không tách bạch được với phần thiệt hại do bị đơn gây ra. Cho nên không chấp nhận phần yêu cầu bồi thường thiệt hại 36 tỉ đồng là có căn cứ. Bên cạnh đó, nguyên đơn cũng không xuất trình được các chứng cứ khác để chứng minh yêu cầu của mình, nên HĐXX không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

Từ đó, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn, không chấp nhận kháng nghị của VKS và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Hàng trăm tài xế taxi đến tòa theo dõi vụ kiện Vinasun - Grab Hàng trăm tài xế taxi đến tòa theo dõi vụ kiện Vinasun - Grab

TTO - Sáng 17-10, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Vinasun Grab Đại chiến