10/03/2020 07:04 GMT+7

Sáng nay xử phúc thẩm vụ 'đại chiến' giữa Vinasun và Grab

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Sáng 10-3, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab (Grab).

Sáng nay xử phúc thẩm vụ đại chiến giữa Vinasun và Grab - Ảnh 1.

Đại diện Vinasun (trái) và đại diện Grab (phải) tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Theo dự kiến, sáng nay 10-3 TAND cấp cao mở phiên phúc thẩm vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và Grab.

Phiên tòa phúc thẩm do thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên làm chủ tọa. Hai thành viên Hội đồng xét xử là thẩm phán Nguyễn Hữu Trí và thẩm phán Phan Đức Phương. Dự kiến phiên tòa kéo dài trong nhiều ngày.

Phiên tòa phúc thẩm được mở do có kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị của Viện KSND TP.HCM và Viện KSND cấp cao tại TP.HCM.

Theo nội dung vụ án, Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Quyết định 24 ngày 7-1-2016 về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây thiệt hại cho Vinasun, từ đó Vinasun đã khởi kiện Grab ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng.

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM cho rằng Grab kinh doanh taxi, vi phạm Nghị định 86 và Đề án 24 và gây ra thiệt hại cho Vinasun. Tương tự vụ kiện này, Tòa công lý châu Âu cũng phán quyết xác định Uber hoạt động vận tải chứ không phải cung cấp phần mềm ứng dụng.

Tòa sơ thẩm cho rằng có mối quan hệ biện chứng giữa việc vi phạm pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun và chấp nhận yêu cầu đòi Grab bồi thường 4,8 tỉ đối với thiệt hại về chi phí xe nằm bãi không kinh doanh kể trên.

Hội đồng xét xử xác định Grab là hoạt động taxi giúp các cơ quan có thẩm quyền xây dựng hành lang pháp lý tạo môi trường công bằng.

Sau bản án sơ thẩm, Grab và Vinasun cùng kháng cáo, trong đó Grab đề nghị tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án, còn Vinasun đề nghị tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Sau đó, viện trưởng Viện KSND TP.HCM kháng nghị bản án sơ thẩm, cho rằng Grab có hành vi vi phạm pháp luật nhưng Vinasun không chứng minh được thiệt hại giảm sút về lợi nhuận chỉ có duy nhất do hành vi trái pháp luật của Grab gây ra.

Sau đó, viện trưởng Viện VKSND cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định bổ sung kháng nghị phúc thẩm của viện trưởng VKSND TP.HCM, cho rằng Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun, không có lỗi của Grab.

Đồng thời, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của phía Vinasun.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên