16/07/2015 16:03 GMT+7

Nhiều ý kiến về trang thông tin điện tử tổng hợp

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Trang thông tin tổng hợp cạnh tranh không lành mạnh với báo chí, có nên xóa bao cấp đối với hoạt động báo chí hay không?

Ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Hoàng Điệp

Đó là những nội dung được các đại biểu nêu ra trong hội nghị tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật báo chí sửa đổi do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 16-7 tại TP.HCM.

Có nên bao cấp báo chí nữa không?

Là ý kiến của ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội. Ông Thuyết cho biết hiện nay cả nước có trên 800 cơ quan báo chí với 1.500 ấn phẩm, 68 đài phát thanh và truyền hình, thậm chí ở một số địa phương còn có đài phát thanh và truyền hình cấp huyện.

Theo ông Thuyết, sự phát triển của báo chí thể hiện sự tác động tích cực của Luật báo chí trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh về số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong khi vẫn duy trì chế độ bao cấp về xuất bản và phát hành đang đặt ra những vấn đề cần được điều chỉnh kịp thời.

Đại bộ phận các báo đài hiện nay vẫn được bao cấp toàn bộ hoặc một phần về nhân sự, trụ sở, trang thiết bị và được phát hành tới các đơn vị hành chính, các tổ chức chính trị xã hội bằng ngân sách nhà nước; số cơ quan báo chí tự cân đối thu chi không nhiều trong khi đó một cơ quan báo chí thì sở hữu nhiều loại hình báo chí như Đài Tiếng nói Việt Nam có đủ cả bốn loại hình: báo nói, báo hình, báo giấy và báo điện tử, rồi các kênh truyền hình của một số ngành cũng được thành lập...

“Đáng tiếc, trong dự thảo Luật báo chí sửa đổi lần này không những không đưa ra quy định điều chỉnh tình trạng nói trên mà còn tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước bằng Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí bằng chính nguồn ngân sách của nhà nước”, ông Thuyết nói.

Theo đó, ông Thuyết đề xuất Luật báo chí sửa đổi nên quy định rõ ba mô hình của báo chí: mô hình cơ quan nhà nước bao gồm những cơ quan báo chí của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ (báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam). 

Mô hình đơn vị sự nghiệp có thu bao gồm các cơ quan báo chí của các bộ ngành, tỉnh thành trực thuộc trung ương và các tổ chức chính trị xã hội... Với mô hình này, cơ quan chủ quản đảm bảo cung cấp trụ sở và phương tiện làm việc khi thành lập đơn vị, còn toàn bộ hoạt động của đơn vị theo nguyên tắc tự cân đối thu chi.

Mô hình “doanh nghiệp kinh doanh báo chí có điều kiện” gồm báo chí của các tổ chức khác, thực hiện nghĩa vụ tài chính của Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa.

Ông Võ Văn Long, phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Hoàng Điệp

Cần quản lý các trang thông tin, trang mạng

Ông Võ Văn Long, phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, đã nêu ra thực trạng hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp gây hiểu nhầm cho bạn đọc.

“Chỉ người trong nghề mới biết đó là trang thông tin điện tử tổng hợp, còn bạn đọc đều nghĩ đó là báo, báo mạng. Thậm chí tại nhiều cuộc họp, sự kiện, những người làm việc trong những trang thông tin này vẫn tham gia như một phóng viên dù họ không hề có thẻ nhà báo”, ông Long nói.

Ông Long cho rằng khi Bộ TT-TT cấp phép cho trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động với việc dẫn lại nguồn tin từ các tờ báo thì nghiễm nhiên hỗ trợ các trang thông tin này cạnh tranh không lành mạnh với báo chí.

Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Minh Thuyết. Ông Thuyết cho rằng khi các trang tin đưa lại tin từ báo chí thì chỉ chọn đưa những tin nào hấp dẫn, điều đó khiến bạn đọc chỉ cần vào trang tin đó để đọc mà không biết rằng công sức lao động vất vả của phóng viên. Đây là hình thức hợp pháp hóa việc xâm phạm bản quyền đối với các cơ quan báo chí.

Ông Thuyết cũng đặt câu hỏi về phạm vi điều chỉnh đối với các trang mạng trong dự thảo Luật báo chí sửa đổi. Theo ông Thuyết, đây mới là địa chỉ cần phải kiểm soát và quản lý: “Nhiều trang mạng cá nhân: blog, Facebook, fanpage… không chỉ đưa thông tin cá nhân của chủ sở hữu mà còn cung cấp nhiều thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như một tờ báo điện tử. Thậm chí không ít lần báo chí nhà nước phải lấy lại thông tin từ những nguồn phi chính thống này”.

Ông Thuyết cũng cho rằng có không ít thông tin bịa đặt xúc phạm đời tư cá nhân của các trang mạng. Bởi vậy, cần phải quản lý các trang mạng này.

Ông Thuyết đề xuất cần có một đạo luật riêng để điều chỉnh các trang thông tin điện tử, trang mạng cá nhân…

Ông Đỗ Văn Dũng, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Hoàng Điệp

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Văn Dũng, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cũng đặt vấn đề quản lý đối với các trang mạng này.

Ngoài ra, ông Dũng nêu quan điểm ủng hộ các chương trình liên kết của báo chí. “Việc Nhà nước mở ra các hình thức là để báo chí được hoạt động hết tiềm lực của mình nếu có nhân lực, tài lực. Nếu đầu tư kém, không có nhân lực, vật lực thì có thể nhận thấy ngay”, ông Dũng nói.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên