19/07/2008 13:37 GMT+7

Những điểm mới trong dự án Luật Báo chí sửa đổi (1)

Theo LS-TS PHAN ĐĂNG THANHPháp luật TP.HCM
Theo LS-TS PHAN ĐĂNG THANHPháp luật TP.HCM

Các tổ chức có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí. Báo chí cải chính rồi, người bị thiệt hại vẫn có quyền khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường dân sự...

BMFuxvS4.jpgPhóng to
Theo dự án luật sửa đổi, các cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh minh họa: HTD
Các tổ chức có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí. Báo chí cải chính rồi, người bị thiệt hại vẫn có quyền khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường dân sự...

Doanh nghiệp có thể ra báo

Luật Báo chí (LBC) sửa đổi dự kiến trình Quốc hội khóa XII tại kỳ họp tháng 10-2008 tới đây. Dự án LBC lần thứ chín này vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, chuẩn bị trình Chính phủ với nội dung gồm năm chương, 50 điều.

Dự án LBC lần này vẫn khẳng định rõ nguyên tắc không có báo chí tư nhân. Báo chí là cơ quan của Đảng, nhà nước, tổ chức đoàn thể; đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát...

Chặt chẽ hơn trong việc cung cấp nguồn tin

Theo dự án LBC, các tổ chức có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí (nghĩa là cơ quan báo chí và nhà báo có quyền được cung cấp thông tin) và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin ấy. Khi thể hiện thông tin trên báo, đài, cơ quan báo chí phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin. Thậm chí trong trường hợp báo chí khai thác nguồn tài liệu riêng của mình (không do cơ quan, tổ chức cung cấp) thì cũng phải nêu rõ là nguồn tin riêng của báo. Tuy nhiên, cơ quan báo chí và nhà báo có nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó.

Ở đây có hai điểm cần lưu ý:

Một là: Luật định khi cơ quan, tổ chức thẩm quyền cung cấp thông tin cho báo chí, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đó. Nhưng không rõ khi thực hiện quyền, nghĩa vụ “thông tin trung thực” phản ánh tin trên báo thì cơ quan báo chí và nhà báo có phải liên đới chịu trách nhiệm với người cung cấp thông tin không, trách nhiệm tới đâu...? Thực tế lâu nay, khi báo chí, nhà báo “thông tin trung thực” theo nguồn tin thì cơ quan báo chí, nhà báo vẫn phải “lãnh đủ” về mặt trách nhiệm dân sự và hình sự nếu có nội dung sai trái, xúc phạm đến nhà nước, tổ chức, cá nhân khác!

Hai là: Về nguyên tắc, cơ quan báo chí có quyền không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nhưng thực tế, có người yêu cầu cho biết thì LBC hiện hành (1999) quy định biệt lệ là viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh có quyền yêu cầu báo, đài cho biết để phục vụ việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng (có thể bị xử phạt từ trên ba năm tù trở lên).

Dự án LBC lần này có hai điểm mới: Một là không quy định viện trưởng viện kiểm sát tỉnh có quyền này nữa mà chỉ chánh án tòa án cấp tỉnh mới có quyền yêu cầu; thứ hai là quyền này chỉ thực hiện khi xét thấy cần thiết cho việc xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (nghĩa là đối với tội có thể bị xử phạt từ trên bảy năm tù trở lên).

Cải chính rồi vẫn phải chịu trách nhiệm

Có một sự ngộ nhận lâu nay là nhiều người cho rằng khi báo chí “lỡ” thông tin sai sự thật mà đã cải chính rồi thì coi như hết trách nhiệm. Sự thật không thể “hết trách nhiệm” được nếu hậu quả của thông tin ấy gây thiệt hại nghiêm trọng và việc xin lỗi, cải chính không thể bù đắp được tổn thất vật chất và tinh thần. Trường hợp này về nguyên tắc, dù báo chí có cải chính rồi, người bị thiệt hại vẫn có quyền khiếu nại lên trên hoặc khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường dân sự. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến mức nguy hiểm đáng kể cho xã hội thì cơ quan điều tra vẫn có quyền khởi tố hình sự...

Sở dĩ có sự ngộ nhận lâu nay như trên vì khoản 4 Điều 9 LBC 1999 quy định một cách lập lờ dẫn đến hiểu lầm: “Trong trường hợp cơ quan báo chí không cải chính, xin lỗi (...) thì tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại tòa án” (điều quy định này có thể hiểu là “hễ đã cải chính xong rồi thì thôi, hết đường thưa kiện nữa!).

Về cách thức cải chính, Nghị định 51 quy định chi tiết thi hành LBC 1999 quy định thủ tục cải chính như sau: Cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi trên báo chí của mình “vào đúng vị trí với cùng một kiểu, cỡ chữ, đúng chuyên mục đã phát sóng mà báo chí đã đăng, phát thông tin”. Quy định này chưa đủ rõ nhưng dự án LBC mới đã sử dụng nguyên văn bổ sung vào luật. Có người nêu trường hợp nếu tin, bài giật tít (tựa) với kiểu, cỡ chữ to và tít ấy bị khiếu nại, phải cải chính, xin lỗi thì cũng phải cải chính bằng kiểu, cỡ chữ to như tít hay sao?

Nghị định 51 hướng dẫn thi hành LBC 1999 còn quy định khi tổ chức cá nhân bị thông tin xúc phạm mà họ có lời phát biểu phản hồi thì báo chí phải đăng lời phát biểu đó đúng vị trí và chuyên mục như báo chí đã đăng, phát. Trong trường hợp không nhất trí thì báo chí có quyền thông tin tiếp. Nếu vẫn tiếp tục không nhất trí nhau thì phải tiếp tục đăng lời phát biểu của hai bên (coi như cãi nhau qua lại một lượt trên báo) như vậy tới đủ ba lần rồi mới được ngừng, không đăng nữa và báo cáo lên trên. Dự án LBC mới kế thừa y nguyên tắc ấy và nay lại nâng lên thành luật.

Thực tế cho thấy quy định trên rất khó thực hiện và hình như thời gian qua chưa từng được áp dụng bao giờ!

(Còn tiếp)

Theo LS-TS PHAN ĐĂNG THANHPháp luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên