Một nghiên cứu mới đây cho thấy Google và Facebook kiếm hàng tỉ USD, chiếm đến 60% lợi nhuận quảng cáo kỹ thuật số tại Mỹ trong năm 2018 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Việt Nam nên tham khảo và áp dụng một điều luật tương tự nhằm bảo vệ những nhà sáng tạo nội dung, các nhà xuất bản báo chí truyền thống. Sự trợ giúp về mặt pháp lý như thế này sẽ giúp cân bằng "quyền lực" giữa các nền tảng mạng xã hội với vai trò phân phối thông tin và phía còn lại - những người sản xuất nội dung.
Ông Huỳnh Thanh Phi (giám đốc Công ty truyền thông Leo Brothers)
Sửa đổi luật bản quyền được Nghị viện châu Âu thống nhất hồi tháng 3-2019. "Văn bản này cực kỳ quan trọng đối với nền dân chủ của chúng ta và sự sống còn của báo chí tự do và độc lập" - AFP dẫn lời Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester nhấn mạnh.
Bảo vệ báo chí chất lượng hay cản trở ngôn luận?
Theo quy định mới, các nền tảng trực tuyến phải ký thỏa thuận bản quyền với tác giả trước khi đăng tải nội dung của họ lên mạng. Các trang chia sẻ như YouTube của Google, Instagram của Facebook phải cài các bộ lọc nội dung có bản quyền.
Động thái bảo vệ tác quyền của EU nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ các công ty truyền thông và nghệ sĩ, cho phép họ bảo đảm doanh thu từ các nền tảng web. Tập đoàn truyền thông lớn bao gồm AFP đã thúc đẩy đạo luật cải cách, coi đây là một biện pháp khẩn cấp để bảo vệ báo chí chất lượng và giúp tăng thu nhập của các công ty truyền thông truyền thống.
Việc sửa đổi, nếu được triển khai tại các quốc gia, "có thể giúp duy trì báo chí trên thực địa, điều mà mọi bằng chứng đều cho thấy là cách tốt nhất để chống lại thông tin sai lệch" - CEO của AFP Fabrice Fries nói.
Tuy nhiên, nó lại bị các nhà hoạt động tự do Internet phản đối mạnh mẽ, cho rằng nó sẽ là rào cản, đóng vai trò là "thuế liên kết". Điều gây lo ngại nhất là các bộ lọc tác quyền có thể cản trở ngôn luận trên Internet khi trao quyền cho các công ty công nghệ quyết định những thông tin nào vi phạm bản quyền và thông tin nào không. Thậm chí có khả năng các công ty công nghệ có thể thẳng tay xóa các nội dung không vi phạm để tránh rắc rối về bản quyền.
"Hãy tưởng tượng bạn đăng nội dung lên một trang chia sẻ video và chờ nhiều ngày để nó được đăng lên sau khi được kiểm tra. Đó có thể là tương lai của Internet ở châu Âu" - nhà đầu tư công nghệ tại Singapore Carlos Fernandes nói.
Nghị sĩ Đức Julia Reda lo ngại luật mới chỉ càng làm tăng sự thống trị của các ông lớn trong mảng cung cấp tin tức, do nhiều nền tảng nhỏ không có khả năng đáp ứng các yêu cầu của luật mới. Việc xây dựng bộ lọc nội dung đã có thể tiêu tốn đến hàng chục triệu USD.
Phản đối cũng đến từ Thung lũng Silicon, đặc biệt là Google vốn thu lợi nhuận khổng lồ từ quảng cáo được tạo ra cùng với nội dung được xuất bản trên các trang của mình. Gã khổng lồ Mỹ trước đó cảnh báo đạo luật có thể ảnh hưởng đến kinh tế các nước châu Âu, cho biết không loại trừ khả năng rút dịch vụ Google News khỏi khu vực. Google đã từng làm điều này khi Đức và Tây Ban Nha tìm cách buộc công ty Mỹ phải trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức.
ASIC, hiệp hội của các công ty công nghệ bao gồm Google và Facebook, cho biết luật sửa đổi tạo ra "quyền liên quan" nhằm bảo vệ tác quyền, không làm rõ mức độ bao quát của các điều khoản và không xác định sự cân bằng hợp lý nhất giữa tự do lưu truyền thông tin và bảo vệ bản quyền.
Sẽ đến lúc phải sửa luật?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết hiện nay cơ sở pháp lý trong lĩnh vực bản quyền của Việt Nam là Luật sở hữu trí tuệ cùng với các quy định về quản lý Internet và các quy định của pháp luật liên quan về sở hữu trí tuệ, không hề đề cập đến các nội dung như dự luật bản quyền của EU đang bàn thảo.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, nếu các nhà sản xuất nội dung, cơ quan thông tấn, truyền thông, báo chí Việt Nam muốn lấy được tiền từ nền tảng mạng xã hội hoặc công cụ tìm kiếm như Google thì phải có các quy định của luật.
Ví dụ, phải sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ, trong đó có quy định các công cụ tìm kiếm nếu tạo link thì phải trả phí thì mới thực hiện được, còn như hiện nay thì không thể thu tiền được từ Google hoặc Facebook. Việc dự thảo có được đi vào thực tế hay không là còn một quá trình, phụ thuộc vào từng quốc gia. Tuy nhiên, đây là vấn đề Việt Nam cần suy nghĩ vì hàng trăm tờ báo của Việt Nam không được hưởng doanh thu bản quyền.
"Đây là vấn đề mới, do đó các nhà lập pháp ở Việt Nam, các hiệp hội, nhà xuất bản, hội nhà báo cũng nên nghiên cứu quy định này của châu Âu để có tiếng nói, trình bày với Quốc hội để sửa Luật sở hữu trí tuệ. Tôi nghĩ trong tương lai vấn đề này hoàn toàn có thể xảy ra" - luật sư Hà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận