Các doanh nghiệp bất động sản Nhật Bản và Việt Nam cùng trao đổi về cơ hội đầu tư dự án bất động sản tại TP.HCM - Ảnh: Tiến Long
Tại Hội thảo, hơn 200 dự án phát triển đô thị được TP đang kêu gọi đầu tư, 9 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch kết hợp chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng giới thiệu nhiều dự án cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ hư hỏng tại các quận, huyện trên địa bàn TP.
Đối với các dự án liên quan đến các chung cư cũ hư hỏng, cơ quan chức năng đặc biệt lưu ý đến 13 chung cư cũ được kiểm định cấp D (cấp hư hỏng nặng, nguy hiểm) chưa có chủ đầu tư dự án xây dựng mới. Bên cạnh đó, thông tin về những cụm chung cư cũ khác cần được chỉnh trang, xây dựng mới cũng được cung cấp cho các doanh nghiệp nước bạn và doanh nghiệp bất động sản Việt Nam tham gia hội thảo.
Cụ thể như dự án xây dựng mới cụm chung cư Ngô Gia Tự và hạ tầng kỹ thuật khu C30 thuộc quận 10, 6 lô chung cư Ấn Quang (quận 10), dự án xây mới 11 lô chung cư Nguyễn Thiện Thiện Thuật (quận 3), cụm 19 lô chung cư Khánh Hội (quận 4)...
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp nước bạn trao đổi nhiều về kinh nghiệm thực hiện các dự án tái thiết đô thị trên đất nước Nhật Bản nhiều năm trước đây.
Đại diện Bộ Đất đai hạ tầng giao thông du lịch Nhật Bản cho biết những vấn đề đô thị mà TP.HCM đang gặp phải giống như những TP của Nhật Bản nhiều năm trước: hạ tầng quá tải, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, dân tập trung về các đô thị lớn... Nhà nước và các doanh nghiệp Nhật Bản đã cùng nhau tháo gỡ từng việc một để các đô thị Nhật Bản có diện mạo hiện đại như hôm nay. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể hợp tác cùng chính quyền và doanh nghiệp tại TP.HCM giải quyết các vấn đề của TP hiện tại.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA cho biết chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của TP.HCM cần vốn đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng nhưng vốn ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 7%, số còn lại phải mời gọi, huy động các nguồn vốn khác từ xã hội.
Tại sao HoREA lại tổ chức mời gọi vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản chứ không phải là một quốc gia khác? Ông Châu cho biết trong năm 2017, Nhật Bản đã trở thành quốc gia có nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất lớn. Nhiều doanh nghiệp Nhật đã đầu tư vào Việt Nam với các dự án hạ tầng đô thị lớn như Shimizu, Hitachi, Sumitomo Contruction...
Không ít doanh nghiệp Nhật đầu tư bằng cách mua cổ phần, góp vốn hoặc cho vay để phát triển dự án, kết hợp cùng các doanh nghiệp Việt Nam để trở thành những doanh nghiệp lớn mạnh...
"Tiềm năng hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp của hai nước rất lớn trong thời gian tới đây. Qua hội thảo lần này, tôi hi vọng có nhiều hơn các hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký kết", ông Châu cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận