12/09/2010 05:03 GMT+7

Gọi ông là chú hay anh?

MAI VINH thực hiện
MAI VINH thực hiện

TT - Một số bạn trẻ mới đi làm tỏ ra lúng túng trong việc xưng hô với người đứng tuổi - thường là sếp - làm chung ở công ty, cơ quan: gọi bằng chú hay là anh khi tuổi tác của họ suýt soát tuổi ba mẹ mình?

uy4adE8e.jpgPhóng to

Một chủ đề của blogger Baohoaluong trên mạng xã hội Facebook đã tạo ra một cuộc tranh luận trong giới trẻ về chuyện “có nên gọi chú bằng anh?”. Đã có những ý kiến đa chiều quanh đề tài này.

Biết phải gọi sao cho đúng?

Bài viết đặt vấn đề: “Tôi thấy cách xưng hô “anh-em” khi những người trẻ nói chuyện với người lớn tuổi hơn mình rất nhiều (đáng tuổi cha, chú) là không phù hợp. Cách xưng hô này thường do người lớn hơn chủ động gọi.

Cách đây vài tháng, tôi và cô bạn cùng lớp nộp hồ sơ vào một công ty truyền thông qua một người giới thiệu tên là X.. Người phỏng vấn là giám đốc công ty. Tôi nhận được tin nhắn của chị X.: “Anh T. là người phỏng vấn các em”.

Gọi là “anh” như vậy nhưng khi nói chuyện trực tiếp với chúng tôi thì chị gọi ông anh đó bằng... bác. Chúng tôi thắc mắc vì lúc chị gọi là anh, lúc gọi là bác nhưng không nói ra. Đến lúc gặp thì cả hai đứa ngạc nhiên vì lẽ ra phải gọi là... ông mới đúng.

Người đàn ông định đoạt công việc của chúng tôi bắt đầu câu chuyện với ngôi... “anh”. Chúng tôi bắt đầu buổi phỏng vấn hơi e dè vì không biết xưng hô như thế nào cho đúng, gọi là anh thì không ổn vì già quá, nhưng gọi là ông cũng không được.

Hai đứa nhìn nhau, thôi thì gọi là anh! Thế nhưng trong buổi nói chuyện, chúng tôi thỉnh thoảng lại xưng hô là... con - ông! Cảm giác khi xưng hô “anh - em” với một người đã lớn tuổi như vậy khiến chúng tôi... bứt rứt. Mỗi lần nghe tiếng xưng “con”, “anh T.” nhăn mặt!

Dịp nọ, tôi liên hệ với một phó giám đốc để lấy thông tin về sự kiện sắp tổ chức. Gõ cửa phòng, tôi bước vào. Người này có vẻ đã lớn tuổi. “Cháu chào chú ạ!”, tôi cất tiếng.

Một phút... hai phút... im lặng, ba phút... “Chào chú ạ”. Chú ngước mắt lên: “Có chuyện gì không em?”. Thời điểm ấy tôi mới đi làm đâm lúng túng và gần như quên những điều mình cần làm trong cuộc gặp này.

Nhiều bạn bè tôi khi đi làm cũng gặp trường hợp như vậy. Nếu đang trong một bàn tiệc đông người, có người trẻ lỡ gọi một người lớn tuổi là “chú, bác” thì cả bàn nhìn lại như người ngoài hành tinh hoặc có dịp trêu đùa nhau.

Lý do mà người lớn tuổi đưa ra là không có bà con cô, dì, chú, bác dây mơ rễ má gì cả nên không có xưng hô “chú chú, bác bác” ở đây. Cách xưng hô đơn giản nhất là anh-em”.

nRavEabi.jpgPhóng to
Lương Bảo Hòa, người đặt ra câu chuyện này - Ảnh: MAI VINH

Sao cũng được, miễn thoải mái

Tác giả entry là cô gái Lương Bảo Hòa, sinh viên khóa 2006-2010 (tham khảo tại địa chỉ http://truongton.net/forum/showthread.php?t=1107614). Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bảo Hòa quanh câu chuyện này.

* Theo bạn, nên xưng hô ra sao cho phù hợp?

- Văn hóa xưng hô đâu có quy định việc xưng hô chỉ là “anh-em”. Nhưng một phần người trẻ phải lệ thuộc những nguyên tắc do người lớn đặt ra để buổi làm việc diễn ra dễ chịu và được việc hơn. Tuy nhiên nếu nhìn theo một hướng tích cực thì có thể an ủi những người lớn tuổi trong vòng quay không trì hoãn của thời gian.

Tiếng Anh chỉ có “I - you” nhưng tiếng Việt nào là chú, bác, ông, cháu, con. Thế nên phức tạp.

* Vậy bạn nghĩ sao về cách xưng hô anh - em với người lớn tuổi khi đi làm?

- Nhiều bạn bè của tôi cảm thấy mắc cỡ với cách xưng hô này. Các bình luận trên blog của tôi cũng có chung chia sẻ như vậy. Trước mặt nhiều bạn trẻ chấp nhận cách xưng hô anh-em, nhưng vắng mặt “anh” là “các cháu” bực bội: “già rồi mà bày đặt”.

Nếu chúng tôi chủ động xưng anh - em với những người lớn tuổi, lớn chức vụ trước mặt người khác thì thể nào cũng nhận lấy lời dị nghị sau lưng rằng khéo nịnh.

* Khi bạn bè đưa entry của bạn sang diễn đàn truongton.net thì nhận được ý kiến khuyên “nên chuyển sang một môi trường nhiều người trẻ, những công ty tư nhân hoặc vốn nước ngoài”, bạn nghĩ gì về ý kiến này?

- Làm ở đâu cũng phải giao tiếp trong và ngoài cơ quan nên không tránh khỏi chuyện lấn cấn ngôi thứ này. Tôi không ngại ngần gọi người lớn tuổi nhiều hơn mình là chú/bác. Tôi nghĩ hiệu quả công việc không phụ thuộc nhiều vào cách xưng hô “anh - em”, và người lớn cũng đừng khó chịu cách xưng hô đúng với tuổi để không khí giao tiếp không gượng gạo.

Theo tôi, ngôi “ông” cũng là cách hay nhưng chỉ nên dùng trong trường hợp cần sự trang trọng. Còn lại cứ nên gọi theo cách nào đó mà bạn thấy thoải mái nhất, không cứ phải chú/cháu hoặc anh/em.

* Xin cảm ơn bạn.

MAI VINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên