15/04/2018 12:13 GMT+7

Gợi cảm vải nilông một thời vừa khoe, vừa che

LÊ VĂN NGHĨA
LÊ VĂN NGHĨA

TTO - Thời đó quần áo may bằng vải nilông là mốt. Những đứa con gái, con trai mới lớn con nhà nghèo nghe nói đến cái quần, cái áo may bằng vải nilông thì thèm thắt ruột.

Gợi cảm vải nilông một thời vừa khoe, vừa che - Ảnh 1.

Nhiều phụ nữ Sài Gòn thập niên 1960 ưa chuộng vải nilông - Ảnh tư liệu

Đọc quyển Một thời để mất của nhà văn Bùi Ngọc Tấn có một đoạn rất lý thú: “Trong những thời gian kháng chiến (chống Pháp) khốc liệt và vui tươi đó, Xuân Diệu về trường chúng tôi. Anh nói chuyện thời sự. Anh nói về xã hội thối nát của Pháp và Mỹ. 

Xuân Diệu trợn tròn mắt: "Các đồng chí biết bên ấy chúng nó mặc áo bằng gì không? Bằng nilông? Bằng nilông! Quần áo nilông!"...Chúng tôi ào lên. Thật không thể nào hiểu được cái bọn người khốn nạn ấy lại có thể lấy nilông làm quần áo, thứ vải mưa màu cánh gián trong suốt mà chúng tôi mới được biết đến khi các anh tôi vùng địch hậu ra, có mang theo vài mảnh, vừa dùng để đi mưa vừa dùng gói quần áo, lấy dây túm chặt làm thành một thứ phao bơi khi vượt sông ra vùng tự do. 

Thật là một lũ điên loạn, trụy lạc. (Mãi mấy chục năm sau khi may chiếc áo nilông đầu tiên trong đời mà Nguyên Hồng gọi là pha lon, tôi mới thấy loại vải ấy thật tuyệt biết bao)”.

Đọc đoạn này tôi thấy nhà văn Bùi Ngọc Tấn và nhà thơ Xuân Diệu đã hiểu lầm về vải nilông. Nilông mà các ông đang nói đến đó là nilông loại dùng làm bao hay áo đi mưa, chứ không phải là áo quần bằng vải nilông (polyester).

“Ai đang đi trên cầu Bông...”

Khoảng thập niên 1950, loại vải Ấn có chất nilông được đưa vào Sài Gòn và chẳng bao lâu sau nilông trở thành một loại vải thời trang thịnh hành. Thời nhỏ của tụi tui, đứa nào chẳng biết hát hay nghe bạn bè hát “Ai đang đi trên cầu Bông, té xuống sông ướt cái quần nilông. Vô đây em chờ quần khô anh sẽ đưa em về...” dựa theo âm điệu lời một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Và trong khoảng thời gian 1965-1970, ban đêm máy bay quân đội Mỹ thường thả hỏa châu để soi sáng những vùng đồng bằng hòng tìm kiếm dấu vết “Việt Cộng”. Vì vậy, thỉnh thoảng có những trái dù sáng (theo cách gọi của chúng tôi) sau khi hoàn thành nhiệm vụ theo gió thổi trôi dạt về tứ xứ. 

Những cái dù này làm bằng chất nilông nên không thấm nước, được lính du kích nhặt làm chiến lợi phẩm như may áo choàng cho ấm, may võng, làm bồng... 

Thỉnh thoảng con nít chúng tôi cũng lượm được nếu cái dù đi ngược gió về phía Chợ Lớn. Một cái dù nilông đó rất to nên tụi tôi chia nhau và chủ yếu là may áo với làm võng. Tôi còn nhớ các bà trong xóm tôi thích lắm vì cái dù đó màu đỏ chạch.

“Diện quần áo nilông”

Tất nhiên, nilông của cái dù hỏa châu này làm sao bằng được nilông thứ thiệt mà các cô nhà giàu thường may quần áo. Thời đó quần áo may bằng vải nilông là mốt. Những đứa con gái, con trai mới lớn con nhà nghèo nghe nói đến cái quần, cái áo may bằng vải nilông thì thèm thắt ruột. 

Với phụ nữ thì vẫn là áo dài, áo bà ba nhưng phải được may bằng vải nilông chứ không thèm popelin, nilfrance hay vải tám.

Tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong năm 1956 (Sài Gòn) đã làm ba trang báo trào phúng để châm biếm phụ nữ ham thích mặc áo bằng vải nilông: “Hoan hô vải nilông/Tuy có mà như không/ Mỗi khi trời mưa lớn/ làm sáng mắt đàn ông/Hoan hô vải nilông/ Làm nổi bật đường cong/giúp cho bao thiếu nữ/kiếm được một chút chồng/...” (Nilông đức tụng). 

Các cô gái thì mơ mộng: “Sáng nay trời đẹp quá/ Em liền xin phép mợ/ Diện quần áo nilông/ Để rồi đi bát phố/ Uốn éo trước tấm gương/ Em thấy đẹp phi thường/ Bao nét cong tuyệt mỹ/ Nổi hơn sóng đại dương...”.

Thấy cái nguy hại của sự gợi cảm "vừa che vừa khoe" của vải nilông nên các nhà đạo đức, các nhà Khổng học, báo chí và dư luận nhìn những người phụ nữ mặc áo nilông không mấy thiện cảm. 

Một bài báo nhận xét về những nữ ca sĩ dùng nilông thay thế cho lời ca giọng hát như sau: “Thành thực nhận xét giọng ca của cô Ninh Loong chưa được điêu luyện, nhưng cô đã biết bổ khuyết vào chỗ thiếu sót đó bằng cách phục sức hoàn toàn nilông, mỏng manh và hấp dẫn khác thường vì theo ý kiến của cô, phần đông đi xem hát chứ không phải đi nghe hát...".

Thời nay, nếu đấng phụ nữ nào mặc áo nilông ra đường để đọ cùng áo hai dây, quần ba chỉa thì... mắc cười quá. Chỉ tội cho vải nilông một thời bị lên án. Thế mới biết thời đại này là thời đại “cởi mở” của chị em... Nilông thì chỉ ỡm ờ cho một thời xuân thì đã qua!

Mùa hè thì phải ăn chè Mùa hè thì phải ăn chè

TTO - Cậu bạn nhà trồng một vườn nha đam, thỉnh thoảng đem cho một mớ, cậu nói ‘nhà nhiều lắm, cho người này người kia ăn lấy thảo’.

 
LÊ VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên