12/10/2020 10:12 GMT+7

'Góc khuất' hài độc thoại

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Những gương mặt 9X "triệu view" ở hài độc thoại có lộ trình, lý do đến với môn nghệ thuật này của mỗi người một khác.

Góc khuất hài độc thoại - Ảnh 1.

Bạn Lê Tuấn Uy trong một tiết mục trình diễn hài độc thoại - Ảnh: CÔNG NHẬT

Trên sân khấu, gương mặt họ - các diễn viên hài độc thoại - luôn rạng rỡ nụ cười, thậm chí có lúc là cười rũ rượi. Nhưng trong một “thế giới khác”, đằng sau không ít nụ cười đó là những câu chuyện buồn, thậm chí là ký ức, nỗi đau một thời khôn nguôi...

"Tôi từng thức dậy chỉ chờ đến lúc ngủ"

Thời niên thiếu của  Lê Tuấn Uy (nghệ danh Uy Lê) hệt như chân dung "con nhà người ta" mà các bậc phụ huynh thường nhắc đến. Luôn nằm trong tốp đầu, học chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), luôn đem lại nụ cười cho người khác, nhưng nhìn lại, Uy thừa nhận: "Tôi trải qua thời phổ thông với chân dung đầy giả tạo, cố tìm hiểu bạn bè thích gì rồi vờ như mình cũng có sở thích tương tự, luôn mang niềm vui đến cho người khác... để được chấp nhận nhưng sâu thẳm bên trong là sự mệt mỏi, uất ức. Mỗi tối khi về nhà và đối diện với bốn bức tường, tôi biết rõ mình đang không hạnh phúc, rồi buồn bực, tự giày vò vì thấy tại sao mình khổ vậy, phải "diễn" sớm và "diễn" mãi vậy?".

Có những ngày thức dậy Uy chỉ chờ đến lúc ngủ. Trống rỗng! Là vì nỗi ám ảnh bị bạn bè trêu chọc "đồ con gái" (Uy thuộc cộng đồng LGBT), bị bạo hành tinh thần từ rất sớm, Uy đã chọn "cơ chế phòng vệ" cho bản thân bằng cách chủ động đem niềm vui "có tính toán" lúc lớn hơn.

Nhận thức được hệ lụy nghiêm trọng của vấn đề tâm lý, cụ thể hơn là trầm cảm nếu để nó âm ỉ "bào mòn" mình, Uy quyết định tự tìm giải pháp và hài độc thoại là một trong số đó.

Sinh ra trong một gia đình luôn đầy ắp tiếng cười,  Trần Phương Nam (nghệ danh Phương Nam) cho biết bạn rất may mắn khi cha mẹ đều là người rất vui vẻ. "Dẫu vậy, khoảng cách thế hệ luôn tồn tại. Và tôi đã sớm chứng kiến cảnh phân biệt giàu nghèo trong cuộc sống lẫn môi trường giáo dục quanh mình, thậm chí tôi từng là "nạn nhân" bị tẩy chay. Điều đó khiến tôi bức bối" - Nam nhớ lại.

Nam sau đó vào học khoa tâm lý (ĐH Sư phạm TP.HCM) nhưng vẫn không tìm được câu trả lời cho những câu hỏi sâu thẳm bên trong. "Thú thật có giai đoạn tôi thấy bản thân trống rỗng mục đích sống, không trả lời được câu hỏi từ nhiều người lẫn chính mình là học xong tâm lý thì sẽ làm gì?" - Nam bộc bạch. Và khi tìm hiểu những điều phù hợp với tính cách, năng lực bản thân thì Nam thấy hài độc thoại là một lựa chọn hoàn hảo.

Chặng đường lắm chông gai

Là một người hoạt ngôn và rất có duyên sân khấu, mỗi lần bước lên sân khấu thường khiến khán giả cười rũ rượi,  Nam "tiết lộ"  thường không tập trước. "Tôi thường chỉ ngồi nghĩ ra các ý chính và tư duy sẽ triển khai thêm gì rồi tùy cơ ứng biến, tôi sợ tập nhiều sẽ bị "giả" và chai sạn cảm xúc. Chính vì vậy mà đôi khi tôi quên lời thoại, chi tiết này nọ. Một rủi ro khác của tôi là vì diễn bản năng nên tôi thuộc típ "hấp thụ năng lượng" từ khán giả. Nghĩa là khán giả vui, rộn ràng thì tôi cũng sẽ vui và quẫy như trẩy hội, còn khán giả trầm thì tôi sẽ bị trầm theo" - Nam chia sẻ.

Tuổi đời còn trẻ (22 tuổi) nên Nam thừa nhận trải nghiệm, "tư liệu" cho các chủ đề cũng hạn hẹp. "Chính vì vậy, những chủ đề tôi chọn nói đều chỉ xoay quanh những thứ rất gần gũi với giới trẻ. Điều quan trọng nhất, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp là cuộc sống của bất kỳ ai cũng luôn đầy sóng gió, thử thách... và chúng ta vẫn có cách để có cái nhìn nhẹ nhàng, tích cực hơn về nỗi buồn" - Nam nói.

Nếu Nam diễn đầy bản năng thì Uy ngược lại. "Lần đầu tiên tôi diễn hài độc thoại là khoảng 5 năm trước, ở một số câu lạc bộ của người nước ngoài tại TP.HCM. Lúc đó thật lòng tôi chưa thấy vui, mà đơn giản là nhẹ nhõm vì được nói những điều đời thường không dễ chia sẻ với ai, như việc bị bắt nạt, bạo hành. 

Chẳng ngờ những câu chuyện cười vừa hài hước vừa nhuốm chút chua chát, buộc người khác phải có góc nhìn khác cho một vấn đề lại nhận được sự cảm thông, ủng hộ nhiệt tình và thậm chí sau đó tôi còn nhận được giải thưởng quốc tế, được mời đi lưu diễn ở nước ngoài. Điều quan trọng nhất, sức khỏe tinh thần của tôi tốt hơn rất nhiều" - Uy chia sẻ về quyết định theo đuổi lâu dài hài độc thoại, thành lập nhóm Sài Gòn Tếu diễn định kỳ hằng tuần dù bạn tốt nghiệp ĐH Kiến trúc và hiện có công việc văn phòng ổn định.

Tự nhận bản thân là người rất kỹ tính, Uy cho biết việc quên lời, tuột cảm xúc trong những lần đầu là điều không thể tránh khỏi. "Tôi vốn rất chặt chẽ, chi tiết đến từng dấu chấm, dấu phẩy và đoạn nào thì "nhấn nhá" vẻ mặt ra sao... nhưng vấn đề vẫn luôn xảy ra. Sau này tôi nhận ra sự chặt chẽ quá đôi khi lại giết chết cảm xúc, thông điệp muốn truyền tải và giết cả sự kết nối với người khác. Trong khi đó với tôi, sự kết nối là vô cùng quan trọng trong hài độc thoại" - Uy chia sẻ.

Với Nam, hạnh phúc của bạn hiện rất trọn vẹn. "Tôi luôn được sống trong tập thể đầy tiếng cười, năng lượng tích cực và tôi nghĩ 5 năm nữa tôi vẫn sống hết mình với hài độc thoại, với sân khấu và những khán giả, đồng nghiệp thân quen. Cha mẹ tôi hiện cũng rất ủng hộ lựa chọn này của tôi" - Nam cười rạng rỡ khoe.

Nụ cười đẹp nhất

"Cha mẹ tôi rất thương con nhưng tôi chưa từng đủ can đảm nói sự thật về giới tính bản thân với họ. Thậm chí tôi từng nghĩ sẽ giấu sự thật này cho đến lúc hai người không còn trên đời nữa. Nhưng có lần tôi đã thổ lộ câu chuyện này trong một tiết mục hài độc thoại và được thu, phát lại trên YouTube. Chẳng ngờ sau đó tình cờ mẹ tôi bật đúng clip đó khi ngồi sau lưng tôi. Tôi nín thở, vô cùng căng thẳng" - Uy nhớ lại.

Nào ngờ khi coi xong, mẹ quay sang bạn chỉ buông đúng một chữ "Hay!". Mẹ của Uy có lẽ chẳng bao giờ biết chữ "hay" đó có ý nghĩa to lớn như thế nào. Sau đó bà nói rằng điều bạn chia sẻ trong clip rất ý nghĩa với những người trong cộng đồng LGBT, và thật ra bà đã biết điều này từ rất lâu rồi, đã khóc hết nước mắt rồi. "Vì mẹ sợ con khổ..." - Uy nhớ mãi câu nói đó.

Và vì biết cha mẹ sợ mình khổ nên Uy đang sống hết mình với công việc chuyên môn, với hài độc thoại để chứng minh với gia đình là bạn không hề khổ, bạn và những người trong thế giới LGBT vẫn có khả năng tự tạo hạnh phúc. Và với Uy, dù đã chứng kiến hàng ngàn nụ cười khắp nơi, nhưng có lẽ nụ cười ngày đó của mẹ là nụ cười đẹp nhất.

​Hài độc thoại: Ranh giới tục - thanh ​Hài độc thoại: Ranh giới tục - thanh

TTO - Sau khi đăng bài ​Phát lộ... hài tục vui nhảm, nhiều người tỏ ra thích thú nhưng cũng có những tiếng thở dài vì “sao mà cười nổi” với những câu chuyện hài độc thoại quá nhiều yếu tố dung tục để gây cười.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên