Nhưng góc bếp thắm đượm tình người ấy vẫn luôn đỏ lửa, ngày càng lớn mạnh và là địa chỉ tin cậy của tình thương, sự sẻ chia và lòng nhân ái đến các bệnh nhân nghèo nơi này.
Năm 1997, sau cơn lũ lịch sử, người dân Chợ Mới lâm vào cảnh khó khăn cùng cực. Lũ rút đi, dịch bệnh lại bùng phát dữ dội khiến Bệnh viện đa khoa huyện rơi vào cảnh quá tải. Ngay trong tận cùng của sự nghiệt ngã ấy, tổ nhân đạo cấp phát cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo đã ra đời từ tâm huyết của một số nhà hảo tâm trong huyện. Ngày đầu thành lập, nguồn vận động kinh phí từ viện trợ cho người dân vùng lũ lớn chỉ đủ mua các vật dụng nhà bếp phục vụ nấu nướng cùng vài giạ gạo. Vậy mà chái bếp ọp ẹp vẫn đỏ lửa đều mỗi ngày. Các bệnh nhân khốn cùng theo đó cũng đỡ được phần nào những gian nan khi điều trị bệnh.
“Nếu không có được những bữa cơm miễn phí, cả nhà tôi không biết sẽ ra sao nữa. Tôi biết ơn lắm” - anh Nguyễn Văn Mỹ, ở thị trấn Chợ Mới, chia sẻ.
Vợ chồng anh sống bằng nghề bán vé số. Đứa con trai cũng lang thang suốt ngày ngoài đường với xấp vé số trên tay ngay từ lúc chưa bước vào tuổi lên 10. Anh lại mắc chứng bệnh suy tim nên đối với gia đình anh, bệnh viện gần như là nhà. Bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật nhiều lần, nhưng vì không kiếm đâu ra tiền nên suốt bảy năm qua anh ròng rã sống chung với bệnh tật, lây lất từng ngày với những bữa cơm tình thương đắp đổi.
Nhà bếp còn thành lập cả tổ khai thác củi lên đến 105 người. Bà con nào khi cải tạo vườn tạp chỉ cần gọi điện thoại, nhà bếp sẽ cử người vận chuyển về. Vì nằm ngoài khuôn viên bệnh viện, nên nấu nướng xong các thiện nguyện viên phải đóng thùng thức ăn chuyển vào viện để phát. Dù bận rộn nhưng chưa bao giờ các thiện nguyện viên để cho bà con bệnh nhân chờ đợi hay nhận những phần cơm nguội lạnh.
“Nghệ sĩ như mình đi lưu diễn khắp nơi, chứng kiến rất nhiều hoạt động nghĩa nhân, nhưng quả thật hoạt động thiện nguyện nơi này khiến mình xúc động thật nhiều” - NSƯT Thoại Mỹ cho biết. Mỗi ngày bếp cấp hơn 200 suất cơm, 150 suất cháo cho bệnh nhân nghèo và thân nhân người bệnh. 14 hộ nghèo neo đơn ở khu vực xung quanh bếp ăn cũng được tổ tình thương hỗ trợ hai bữa cơm trong ngày. Rời bếp ăn tình thương ấy, mọi người đều có ấn tượng khó quên về những tấm lòng và nghĩa cử đẹp nơi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận