22/06/2019 12:06 GMT+7

Gỡ 'thẻ vàng' cho ngành thủy sản: Còn vi phạm có thể tịch thu tàu?

CHÍ TUỆ - TRẦN MẠNH
CHÍ TUỆ - TRẦN MẠNH

TTO - Ngày 21-6, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Ban chỉ đạo quốc gia về IUU) đã họp để tìm hướng gỡ “thẻ vàng”.

Gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản: Còn vi phạm có thể tịch thu tàu? - Ảnh 1.

Ngư dân đưa cá ngừ đại dương vào cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) sau chuyến đánh bắt - Ảnh: THÁI THỊNH

Theo kế hoạch, cuối tháng 10-2019 đoàn thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Nhiều địa phương đã đưa giải pháp quyết liệt.

Tàu cá vi phạm vẫn phức tạp

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Ngọc Oai, một trong những điều kiện tiên quyết để gỡ "thẻ vàng" hoặc nguy cơ cao bị "thẻ đỏ" trong đợt kiểm tra của đoàn thanh tra EC vào tháng 10-2019 tới là kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, từ thời điểm EC cảnh báo "thẻ vàng" (ngày 23-10-2017) đến nay vẫn chưa chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy năm 2018 xảy ra 85 vụ ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục diễn biến phức tạp khi xảy ra 41 vụ/69 tàu/271 ngư dân vi phạm. Các tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm là Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định...

Theo đại diện Bộ Ngoại giao, theo thống kê của bộ còn cao hơn, năm 2018 Việt Nam bảo hộ 118 vụ/189 tàu/1.589 ngư dân. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, phải bảo hộ 72 vụ/122 tàu/1.015 ngư dân (gần gấp đôi), nhiều nhất là ở Indonesia và Malaysia.

Ông Nguyễn Ngọc Oai cũng cho biết việc triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cũng là nội dung quan trọng để gỡ thẻ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai kịp theo tiến độ đề ra do chưa được bố trí kinh phí.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết cuộc kiểm tra tới đây của phái đoàn EC sẽ xác định Việt Nam có thoát được "thẻ vàng" hay giữ nguyên, thậm chí là bị "thẻ đỏ". EU đã chính thức áp dụng thẻ vàng IUU với Việt Nam vào ngày 23-10-2017.

Bố trí vốn gắn giám sát hành trình

Ông Đặng Huy Hậu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho rằng để giải quyết được tận gốc vấn đề khai thác thủy sản trái pháp luật cần tuyên truyền, xác định ranh giới đánh bắt, chủ tàu có thiết bị giám sát. Sau đó là chế tài phải mạnh tay. Như có thể cắt bỏ các cơ chế hỗ trợ về xăng, dầu, thậm chí có thể tịch thu tàu như Quảng Ninh nếu vi phạm lần thứ ba về đánh bắt hủy diệt.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam có thể sẽ bị áp dụng "thẻ đỏ", tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Khi đó, thị trường khác cũng có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự.

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành liên quan và 28 tỉnh, TP ven biển xác định nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp là nhiệm vụ chính trị quan trọng. "Nếu không gỡ được "thẻ vàng", hoặc bị nâng lên "thẻ đỏ" sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, trước hết là ngư dân" - ông Dũng nói.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện chống khai thác IUU; Bộ Quốc phòng chủ trì, chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bộ Tài chính trước tháng 7-2019 bố trí kinh phí thuê hạ tầng thông tin phục vụ giám sát hành trình tàu cá để triển khai cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình...

Triển khai cấp phép khai thác thủy sản

Với 28 tỉnh, TP ven biển, Phó thủ tướng yêu cầu triển khai ngay việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá khai thác xa bờ đúng lộ trình. Bên cạnh đó, phải lập danh sách, lưu trữ hồ sơ xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định.

"Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu công tác chống khai thác IUU của địa phương mình không đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Việt Nam" - phó thủ tướng nói.

Không có giám sát hành trình, không được xuất bến

Ông Lê Tòng Văn, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tất cả các văn bản quy phạm pháp luật để xóa "thẻ vàng" đã được địa phương phổ biến, tập huấn cho cán bộ, ngư dân. Đến nay, khoảng 50% của gần 300 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã được lắp thiết bị giám sát hành trình. Theo luật, đến ngày 1-7 nếu số tàu còn lại không lắp thì sẽ không cho xuất bến.

Ông Ngọc - một chủ tàu ở P.2, TP Vũng Tàu - cũng khẳng định từ lâu nay Nhà nước đã tuyên truyền nhiều về "thẻ vàng". Giá của thiết bị giám sát hành trình (khoảng 20 triệu đồng), anh Ngọc cho rằng "chấp nhận được".

Thời gian qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều biện pháp mạnh tay như: thu hồi giấy phép đánh bắt và bằng lái của thuyền trưởng, tàu cá có gắn định vị nhưng tắt, nếu không có lý do chính đáng cũng kiên quyết tạm đình chỉ. Chủ có nhiều tàu, chỉ một tàu vi phạm sẽ cắt những chính sách ưu tiên đối với những tàu còn lại...

ĐÔNG HÀ

Bình Định: xử lý tàu cá không trở về địa phương

Liên quan đến khắc phục "thẻ vàng" IUU, nhất là sau khi đoàn nghị sĩ EC cùng đến kiểm tra thực tế tại địa phương vào cuối tháng 10-2018, ngày 21-6, ông Trần Văn Phúc - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định - cho biết tỉnh vẫn đang khẩn trương xử lý các tồn tại còn lại.

Theo ông Phúc, qua rà soát hiện có 637 tàu cá ở tỉnh này đánh bắt ở nhiều vùng khác nhau nhưng từ ngày 1-1-2018 đến nay không trở về địa phương, gây khó khăn trong quản lý.

"Phải tăng cường quản lý các tàu cá Bình Định hoạt động tại các vùng biển xa không về địa phương để tránh tình trạng tàu cá có số hiệu Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài" - ông Trần Châu, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu.

Đến nay, Bình Định cũng đã hoàn tất việc công bố cảng cá có xác nhận nguồn gốc thủy sản. Việc khai báo xác nhận vùng đánh bắt, nguồn gốc thủy sản của các tàu thuyền cũng cơ bản thực hiện đảm bảo hơn so với trước đây.

DUY THANH

Không giải quyết được khuyến nghị của EC, thủy sản có nguy cơ dính Không giải quyết được khuyến nghị của EC, thủy sản có nguy cơ dính 'thẻ đỏ'

TTO - Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp 'thẻ đỏ'. Khi đó, tất cả sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.

CHÍ TUỆ - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên