Hàng trăm phách gỗ pơmu bị lâm tặc đốn hạ bị tạm giữ - Ảnh: CÔNG THÀNH |
Liên quan đến vụ việc cơ quan chức năng phát hiện 115 phách gỗ pơmu được tập kết ngay trong khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, ngày 19-7 đại diện Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam cho hay chi cục này đã có báo cáo ban đầu về vụ việc.
Trước đó ngày 18-7, đoàn kiểm tra liên ngành Quảng Nam đã có buổi làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang về vụ việc trên.
Trao đổi với báo chí sau buổi làm việc, ông Lê Trung Thịnh - chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang - cho biết số gỗ được tập kết ở trụ sở đơn vị này là 7,7m3, từ nhiều nguồn khác nhau.
“Chẳng hạn như từ năm 2011-2012, một số doanh nghiệp nhập khẩu gỗ bên Lào người ta cho một ít, anh em gom lại để sửa sang nhà cửa thôi. Nguồn thứ hai là của anh em công an, hải quan Lào có gỗ bên kia họ chở qua đây cho ít, chúng tôi dồn lại nhiều năm để anh em đóng bàn ghế” - ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, số gỗ này anh em cũng để công khai phía trước và phía sau trụ sở cỡ hơn 100 phách gỗ.
“Khi đoàn kiểm tra đến làm việc hỏi nguồn gốc gỗ ở đâu thì chúng tôi cũng nói thật là nguồn gốc gỗ lâu rồi, cũng có anh em mua, mà hồi đó mua thì chủ yếu là giấy tờ không có, một số có giấy tờ nhưng lâu rồi, anh em đang tìm lại. Chứ gỗ này không liên quan gì đến vụ phá rừng pơmu mới đây. Gỗ này toàn bộ có nguồn gốc từ Lào. Mình để công khai công an, kiểm lâm đi qua đi lại đều thấy hết mà, có chi đâu” - ông Thịnh lý giải.
Những gốc pơmu cổ thụ khu vực biên giới bị chặt - Ảnh: CÔNG THÀNH |
Đại diện Cục Hải quan Quảng Nam cho biết để chứng minh gỗ do Lào cho, Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang đã cử một số cán bộ sang Lào xin cung cấp giấy tờ xác nhận nguồn gốc gỗ để cung cấp lại cho cơ quan chức năng ở Quảng Nam.
Như Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 16-7 cơ quan chức năng phát hiện 115 phách gỗ pơmu (tương đương 8,2m3) được tập kết ngay trong khuôn viên của Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang.
Trước đó ngày 9-7, cơ quan chức năng đã phát hiện, lập biên bản tạm giữ 280 phách gỗ pơmu (tương đương 28m3) được lâm tặc chặt trái phép ở rừng gần cột mốc biên giới 717, biên giới Việt-Lào và tập kết gỗ cách trạm biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc gần 1km.
Trao đổi với Tuổi Trẻ trưa 19-7, trung tá Hà Kế Xuyên - phó trưởng Công an huyện Nam Giang - cho hay vụ án đang trong giai đoạn điều tra để xác định các đối tượng nghi vấn phá rừng nghiêm trọng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận