Phóng to |
Trong ngôi nhà sàn giữa bốn bề sông nước, vừa cẩn thận cột lại những bao lúa đã thu hoạch, chị Nguyễn Thị Vân - ấp Phú Hòa, xã Phú Thành B - hồ hởi tính: “Ráng mần thêm hai vụ nữa chắc mẩm trả dứt 30 triệu đồng mà gia đình tui được chi hội phụ nữ ấp cho mượn để chuộc lại 3 công đất cầm cố”.
Vơi được nỗi lo
Ba năm trước, chị Vân nuôi heo thì đụng ngay dịch heo tai xanh nên phải bán tống bán tháo đàn heo với giá rẻ, lỗ đậm. Thu nhập từ 7 công lúa (1.000m2 = công) lại bấp bênh nên chị chuyển sang trồng dưa hấu với hi vọng trả dứt nợ. Nhưng năm đó thời tiết thất thường, cộng thêm non kinh nghiệm nên số dưa thất trắng. Việc thất mùa kéo theo món nợ dầy thêm... Vợ chồng chị rầu dữ lắm. Nếu vay bên ngoài tới hạn không trả, nợ mẹ lãi con làm sao trả nổi. Còn nếu thiếu tiền phân bón, khó lòng mua tiếp những mùa vụ sau. Suy tính mãi, vợ chồng chị buộc lòng phải cầm 3 công ruộng lấy 1,2 lượng vàng trả nợ.
"Nếu không có sự đùm bọc, chia sẻ với nhau, một hộ gia đình khó có thể chuộc lại đất" Ông Phạm Văn Tỉ (bí thư Đảng ủy xã Phú Thành B) |
Chị Vân tâm sự đất đem cầm mấy vụ cũng rất lo, không biết chừng nào mới chuộc lại nổi. Năm 2009, chị nghe nói ở ấp có tổ hùn vốn, tham gia thì có thể mượn tiền mà không phải đóng lãi, chỉ cần trả dần vào các vụ mùa sau. Chị rất mừng, xin gia nhập.
“Nhờ mượn được 30 triệu đồng mới chuộc lại đất được” - chị kể. Đất chuộc lại được nên gánh nặng trong lòng chị vơi đi, an tâm sản xuất, nhờ vậy hai năm qua vợ chồng chị đã trả gần dứt nợ. Chị nói: “Mỗi năm thu hoạch hai vụ, mỗi vụ trả 5 triệu đồng, vị chi tui đã trả được bốn vụ, giờ chỉ còn hai vụ nữa là xong...”.
Ngụ cùng ấp, ngôi nhà sàn của vợ chồng anh Nguyễn Văn Sen cứ bồng bềnh trong mùa nước nổi. Anh Sen cho biết đây là vùng đệm của khu du lịch quốc gia Tràm Chim. Tới mùa nước lên ngập tứ bề. Nhà vợ chồng anh ở trước đây là nhà tranh vách lá, hễ nước lên ngập tới đâu phải cơi cây cao đến đó, rất cực. Sợ nhất là những ngày mưa dông, căn nhà rung lên, chực chờ muốn sập. Giờ thì nỗi lo đó không còn nữa.
Anh Sen bộc bạch: “Nhờ tham gia mô hình góp vốn “chuộc đất, cất nhà” mà năm rồi vợ chồng tui có được 60 triệu đồng cất được nhà này”. Nhiều hộ dân khác ở đây cũng nhờ mô hình này mà chuộc được đất hoặc có nhà kiên cố, con cái được học hành, kinh tế vươn lên ổn định.
“Phao cứu sinh”
Mô hình “chuộc đất, cất nhà” do bà Nguyễn Thị Hồng - chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Phú Hòa - nghĩ ra. Bà Hồng tâm sự: “Tui công tác ở hội mười năm. Thấy nhiều cảnh đời quá khổ. Nhiều người do làm ăn thua lỗ hoặc đau ốm, con cái học hành... ngặt quá phải mang giấy tờ đất cầm cố. Có người không tiền chuộc lại, buộc phải sang bán hoặc thuê lại đất của mình làm, thậm chí bỏ quê xa xứ làm thuê.
Đây lại là vùng đệm của khu du lịch quốc gia Tràm Chim, mùa nước lên ngập trắng xóa. Tội nhất là các hộ không tiền cất nhà phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ dông bão. Tui tâm sự với chị em trong hội để cùng nhau tìm cách tháo gỡ. Chị em mới bàn rằng trong hội có người khá giả, nhưng nếu cho ai đó mượn tiền thì tâm lý cũng e ngại, chi bằng mình đứng ra kêu gọi chị em hùn tiền giúp đỡ hộ nghèo khó”.
Bà Nguyễn Thị Liên, chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Thành B, nhớ lại: “Chị Hồng đem ý tưởng trình bày, thấy đây là việc làm thiết thực đầy nghĩa tình nên chính quyền địa phương đồng ý. Vậy là năm 2007, mô hình “chuộc đất, cất nhà” ra đời. Sau mỗi vụ thu hoạch, các thành viên sẽ hùn 3-5 triệu đồng. Kế đó, chi hội phụ nữ ấp xem xét, hộ nào quá nghèo sẽ cho ưu tiên mượn tiền chuộc lại đất hoặc cất lại nhà. Số tiền được mượn từ 30-60 triệu đồng, không tính lãi, trả dần vào các mùa thu hoạch”.
Ban đầu chỉ có mười hộ tham gia, sau đó hộ này rủ hộ kia khiến số lượng tăng dần. Đến nay đã có 60 hộ tham gia, trong đó số hộ khá chiếm khoảng 70%. Bà Hồng kể: “Khi mô hình được các đoàn thể duyệt, đêm nằm tui cứ trằn trọc, lo âu, rủi bà con “hốt” hụi mùa này, mùa kế tiếp làm ăn thua lỗ, thất bát họ không chịu trả tiền thì hội chẳng những mất uy tín mà chị em hội viên cũng buồn phiền, nản lòng.
Tuy nhiên, không ai làm thế cả, họ nói được chị em cho mượn tiền không tính lãi, mang ơn không hết, mặt mũi nào làm vậy”. Đến ngày “hốt” hụi, không khí vui như ngày gặt. Sau khi lấy tiền bán lúa xong, mấy chị em tập hợp ngoài ruộng, có sự chứng kiến của các ban ngành. Hộ nào nghèo khó được đưa ra trước tập thể, bà con đồng ý thống nhất chọn, ngay tức khắc số tiền được trao tại chỗ. Hộ được nhận tiền thì xúc động hứa trước mọi người sẽ trả tiền đã mượn theo từng mùa vụ.
Hơn bốn năm qua có 17 hộ chuộc lại được đất đã cầm cố, 8 hộ cất nhà kiên cố, nhờ đó vượt qua cơn túng bấn, cuộc sống dần vươn lên khấm khá. Điển hình nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị Bông. Mười mấy năm trước, người chồng vui duyên mới. Một mình chị quần quật giăng câu, làm mướn... nuôi hai con.
Làm nhiều, sức khỏe chị cũng xuống dốc. Năm 2009, chị bị bệnh u nang, phải cầm cố 3 công đất với giá 25 triệu đồng lấy tiền chữa trị. Xuất viện, không có khả năng chuộc lại đất, chị tính tới chuyện phải cho con nghỉ học, cả nhà lên TP.HCM làm thuê. “Khi đó, con lớn của chị đang học lớp 12, con út học lớp 9. Hai đứa đều học giỏi, nếu tụi nó phải bỏ học thiệt tội nghiệp nên tui rủ chị Bông tham gia mô hình chuộc đất, cất nhà” - bà Hồng kể.
Nhờ có 30 triệu đồng được vay, chị Bông chuộc lại đất, hai con tiếp tục đến trường. Con trai lớn của chị đang là sinh viên, con út học lớp 11. Vụ lúa hè thu vừa qua, chị đã trả dứt 30 triệu đồng vay mượn. Ông Phạm Văn Tỉ, bí thư Đảng ủy xã Phú Thành B, nói: “Đây là xã vùng sâu vùng xa, đời sống bà con vẫn còn khó khăn, nếu không có sự đùm bọc, chia sẻ với nhau, một hộ gia đình khó có thể chuộc lại đất. Chúng tôi đang rút kinh nghiệm về cái được và chưa được để hướng tới nhân rộng mô hình khắp xã”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận