Tiệc gia đình ngày Tết. Ảnh minh họa. Nguồn: vfa.gov.vn
Ăn uống đúng cách giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với người đái tháo đường (ĐTĐ). Ăn uống cần đi cùng với luyện tập thể lực, uống thuốc đúng liều, đúng giờ để điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, trong những ngày sum họp gia đình, tiệc tùng ăn uống, đi ăn nhà hàng nhân dịp Xuân về, nếu không chú ý ăn uống đúng cách, ngay cả người không bệnh cũng thường lên cân, nhất là sau khi nghỉ lễ dài ngày. Do đó, người ĐTĐ cần cho bác sĩ biết thói quen ăn uống của riêng mình để bác sĩ có thể chỉ dẫn cụ thể. Kiểu dinh dưỡng phù hợp nhất cho người bệnh là kiểu mang lại kết quả glucose huyết (đường huyết) tốt, mỡ máu và huyết áp đạt mục tiêu, không làm tăng cân.
Người bệnh đái tháo đường cần biết
- Vẫn tôn trọng ăn uống đúng giờ, đủ bữa như ngày thường. Dù ăn tiệc ở nhà hay ăn nhà hàng, người ĐTĐ nên lên kế hoạch trước về các món ăn sẽ dùng, như vậy sẽ dễ kiểm soát năng lượng hơn là chọn thức ăn theo ý thích bất chợt.
- Không vượt quá năng lượng thường dùng hàng ngày: kiểm soát lượng carbohydrat trong mỗi bữa ăn, mỡ và đạm vừa phải.
- Hạn chế đến mức thấp nhất các món ăn có chứa nhiều đường hấp thu nhanh như nước ngọt, nước hoa quả (nước trái cây), bánh ngọt, kẹo.
Sử dụng nhóm bột đường hợp lý và an toàn
Nhóm bột đường (hay còn gọi là Carbohydrat) gồm các loại đường phức, hấp thu chậm như gạo, bánh mì, phở, bún… đường hấp thu nhanh như đường mía, đường nêm trong thức ăn, cà phê, đường trong trái cây, nước ngọt, kẹo, bánh ngọt,… Do đó, trung bình người ĐTĐ ăn mỗi bữa khoảng 30-45 gam carbohydrat (2-3 xuất catbohydrat).
Tuy nhiên, nhóm bột đường làm tăng đường huyết ngay sau khi ăn, nếu insulin hoạt động không hiệu quả, đường huyết sẽ tăng kéo dài nhiều giờ.
Lưu ý, ăn nhiều mỡ cũng góp phần làm tăng đường huyết sau ăn.
Bí quyết đi ăn nhà hàng cho người đái tháo đường
- Không nên ăn tự chọn (ăn buffet) vì thức ăn bày biện đẹp, nhiều, dễ làm người dự tiệc dùng thức ăn quá lượng cần thiết. Nếu không thể từ chối tiệc buffet, nên đi một vòng để xem các món ăn sẵn có, chọn ăn rau, xà lách trước, sau đó dùng các thức ăn khác với lượng nhỏ hơn.
- Nên chọn các loại rau có lá màu xanh đậm, rau màu vàng đậm như rau lang, rau muống cải có lá xanh đậm, bông cải xanh, cà rốt, ớt chuông vàng.
- Các món ăn tại nhà hàng hầu hết đều nhiều đường, nhiều mỡ. Người ĐTĐ vẫn cần ăn đúng lượng carbohydrat trong bữa ăn hàng ngày của mình, thí dụ lượng tinh bột của mỗi bữa ăn tương đương với một chén cơm cầm vừa lòng bàn tay, hoặc 2 lát bánh mì mềm (sandwich).
- Đối với đạm nên ăn cá, đậu phụ, hoặc thịt trắng như thịt ức gà. Loại bỏ da gà, vịt, heo khi ăn.
- Nên chọn các món ăn nướng, hấp thay vì chiên ngập mỡ. Các món lẩu hải sản với nhiều rau, không có nước béo cũng phù hợp.
- Không chọn các loại nước sốt có nhiều chất béo, tránh ăn bơ, thịt mỡ muối (bacon).
- Nếu muốn ăn bánh ngọt, hoặc ăn chè vào lúc tráng miệng: chỉ chọn bát chè nhỏ, miếng bánh nhỏ và chú ý giảm bớt lượng cơm, bánh mì trong bữa ăn chính.
- Luôn luôn uống rượu điều độ: 1 suất/ngày đối với nữ và 2 suất đối với nam. 1 suất có 14 gam rượu (1 lon bia khoảng 330 ml có 4-5 độ cồn chứa khoảng 14 gam rượu, rượu vang đỏ có 12 độ cồn, 120 ml chứa 1 suất khoảng 14 gam rượu). Cần lưu ý độ cồn trong bia và rượu thay đổi tùy hãng sản xuất, nên tham khảo bao bì.
Năng lượng do rượu mang lại chỉ là năng lượng rỗng. Nếu uống lúc bụng đói dễ gây hạ đường huyết.
Đặc biệt, uống rượu nhiều sẽ làm tăng triglycerid, ngoài ra rượu cũng là yếu tố thuận lợi gây viêm tụy cấp, gan nhiễm mỡ.
- Tránh các loại nước ngọt thông thường, trà đường, nước trái cây có đường (1 lon nước ngọt khoảng 350 ml có 150 calo năng lượng, tương đương gần 40 gam đường, tức là khoảng 10 muỗng cà phê đường).
Nếu muốn uống nước có vị ngọt có thể dùng nước ngọt dành cho người ăn kiêng, thí dụ "coca light" hoặc "coca diet", nước trái cây không đường. Tuy nhiên cần lưu ý khoảng 120 ml nước trái cây không đường cũng chứa khoảng 15 gam tinh bột (50-60 Calo).
Tuyệt đối không nên ăn quá nhiều một bữa và nhịn đói trong bữa ăn kế tiếp, điều này làm đường huyết tăng, hạ đột ngột dễ đưa đến biến chứng. Nếu lỡ ăn nhiều có thể liên hệ với bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc hoặc tăng cường luyện tập thí dụ đi bộ nhiều hơn sau khi ăn tiệc hoặc những ngày sau.
Bữa tiệc "gia đình" vui khỏe cho người bệnh
Cũng giữ nguyên tắc như trên. Nấu ăn ở nhà có thể chủ động hạn chế muối, đường nêm trong món ăn và hạn chế dầu mỡ.
Tuy nhiên khi nói chuyện vui lúc ăn, có thể sẽ ăn nhiều hơn cần thiết. Sau bữa ăn, không nên ngồi nói chuyện hoặc xem tivi, nên dọp dẹp bát đĩa, hoặc đi tản bộ để tiêu bớt năng lượng.
Nên dùng các loại thức ăn theo thứ tự rau, súp rau, rau trộn, đạm (thịt cá trứng), ăn nhóm bột đường sau nhóm đạm hoặc cùng với nhóm đạm.
Nếu nghỉ lễ nhiều ngày liên tục, nên tăng cường luyện tập.
Khuyến cáo các món ăn cổ truyền trong ngày Tết
- Bánh chưng, bánh tét, bánh nếp chứa gạo nếp, mỡ, đậu, đường chỉ nên ăn miếng nhỏ.
- Món chân giò ninh (giò heo nấu với miến và măng khô, theo kiểu người miền Bắc): chứa nhiều mỡ, nên chọn phần nạc, không ăn nước dùng có váng mỡ.
- Thịt kho hột vịt: dùng thịt nạc.
- Các loại dưa góp, dưa món, củ kiệu ngâm chứa rất nhiều đường trong nước ngâm, chỉ nên ăn kèm với thức ăn chính.
- Các loại bánh mứt cổ truyền, ăn một lượng nhỏ sau bữa ăn.
- Các loại trái cây: ăn từ 1 đến 2 suất, để dễ nhớ có thể tính gần đúng là lượng trái cây mỗi ngày sau khi cắt thành miếng nhỏ chiếm một thể tích khoảng 250-300 ml là vừa đủ. Dưa hấu tuy nhiều nước nhưng chứa nhiều glucose hơn fructose có thể làm tăng nhanh đường huyết, chỉ nên ăn với lượng ít.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận