11/07/2014 07:30 GMT+7

Giữ từng thửa đất biên cương

MaiCong
MaiCong

TT - Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày 12-7-1984, ngày quân Trung Quốc bắn pháo vào những bản làng yên bình của người Dao, Tày, Nùng huyện Vị Xuyên, Hà Giang để chiếm cửa khẩu Thanh Thủy.

ahas5OJT.jpg
Từ trái qua: cựu chiến binh Đặng Vũ Tùng, Đỗ Quang Huy, Kim Thanh (đứng) - nguyên lính sư đoàn 356 - Hà Nội và các đại biểu chờ chuyến xe đi Hà Giang - Ảnh: Việt Dũng

Cũng đã gần 20 năm biên giới này ngưng tiếng súng và những người dân đi sơ tán từ khắp nơi đã trở về, kịp dựng lại mái nhà, trồng lại nương và thu dọn bãi chiến trường để làm nương đồi, ruộng lúa trên chiến trường cũ. 30 năm đi qua, từ ký ức người già đến những người trẻ vẫn hằn sâu mất mát, đau thương nhưng họ nói: Nếu chiến tranh xảy ra, tôi sẽ ở lại đây trông đất của mình!

Ruộng mình ở đâu, nhà mình ở đó

Nậm Ngặt cách TP Hà Giang hơn 20km đường bộ nhưng chặng đường từ xã Thanh Thủy đến Nậm Ngặt là một con đường mòn bám vào vách núi dựng đứng. Con đường này cũng đi qua các ngọn núi, các cao điểm đã từng là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt trong những năm chiến tranh biên giới phía Bắc, đặc biệt là cuộc chiến diễn ra ngày 12-7-1984.

Một ngôi miếu nhỏ nằm giữa lưng chừng núi (đây là cao điểm 468 nơi đặt sở chỉ huy sư đoàn 356 trong chiến dịch MB84), bên con đường mòn dẫn vào bản Nậm Ngặt, anh Nguyễn Văn Kim - cựu chiến binh của sư đoàn 356, người đã trực tiếp tham gia trận đánh ngày 12-7 - nói: “Trước mặt cao điểm này, nơi những đồng đội tôi đã bám trụ và hi sinh, chúng tôi lập ở đây miếu thờ các anh để từ miếu này, các anh có thể nhìn thấy các cao điểm, các đồn, các lô cốt, các chiến trường, nơi chúng tôi và đồng đội của mình đã chiến đấu”.

Từ miếu thờ nhỏ này, có thể nhìn thấy rõ bản Nậm Ngặt với hơn 50 hộ dân sống ở lưng triền núi, với những mái nhà bé xíu màu trắng trên nền xanh ngắt. “Bản có hơn 50 hộ dân, đều sống bằng nông nghiệp và trồng rẫy” - anh Trang Văn Việt, 36 tuổi, người bản Nậm Ngặt, nói.

Anh Việt cho biết khi chiến tranh xảy ra anh còn rất nhỏ nên theo gia đình đi sơ tán. Mãi đến năm 1990, biên giới ngưng tiếng súng thì gia đình anh mới trở về bản. “Tôi còn nhớ bố tôi đưa ba con trai về trước, cùng với những người anh em của ông. Khi đó, để vào được khu đất của thôn cũ, bố tôi và các bác xách dao đi trước, vừa đi vừa phát cỏ cây, vừa gạt những quả mìn còn sót lại trên đường. Lúc ấy cũng không dám đi theo đường đồi mà lần theo con suối dưới chân núi” - anh Việt kể.

Sau hơn một ngày đường, những người đầu tiên của bản Nậm Ngặt đã về đến mảnh nương cũ, họ cùng dựng lán để cả mấy nhà ở chung. Anh Việt nói: “Gần 10 năm đi sơ tán, chúng tôi cũng đã khai hoang được nương mới, ruộng mới nhưng ông bà bảo về với đất cũ để giữ đất, giữ thôn”.

Tôi hỏi anh Việt sao mình không ở phía ngoài, lên tận đây chi cho vất vả? Phía ngoài kia cũng có ruộng, có nương, lại không có mìn còn sót lại? Anh Việt bảo: “Cha tôi nói ruộng của mình ở đâu thì nhà ở đấy. Vậy nên cả mấy chục hộ đều dắt díu nhau về, dù người về muộn nhất là đến năm 2000 mới trở lại, vừa dọn mìn, vừa canh tác, vừa trồng lúa, vừa nuôi dê”...

Anh Việt nhập ngũ từ năm 1999, huấn luyện rồi phục vụ trong một đơn vị công binh. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về với bản Nậm Ngặt xa lắc xa lơ của mình, nơi có những dãy núi đá cao chót vót vừa là bức thành trì, vừa là biên giới của đất nước. “Hồi ở bộ đội tôi đã được học nhiều về mìn. Tất cả ngọn đồi xung quanh đây đều còn rất nhiều mìn, cũng như còn rất nhiều hài cốt của các anh mà chưa được quy tập. Tôi hướng dẫn người dân trong thôn để tránh mìn, chỉ có trâu bò hoặc dê bị thôi. Bản này ở nơi hiểm trở nhất, khó khăn nhất, xa xôi nhất và cũng chính là chiến trường cũ nhưng không có ai chết vì bom mìn cả” - anh Việt nói.

“Từ bé, tôi đã thấy giặc cướp”

Trong ngôi nhà sàn cũ ngay đầu thôn Nậm Ngặt, cụ Bùn Văn Bàn (74 tuổi, nguyên là chủ nhiệm HTX của xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên) đang ngồi tẽ những trái bắp ngô cuối vụ bên bếp lửa đã tàn. Nhắc về những ngày sơ tán khỏi thôn bản để tránh giặc phương Bắc, ông cụ móm mém kể rằng bắt đầu từ năm 1979 Trung Quốc đã đánh vào khu vực biên giới này rồi. Và có đến ba đợt sơ tán khác nhau nhưng riêng bản Nậm Ngặt thì sơ tán vào đợt cuối cùng. “Sở dĩ chúng tôi đi sau bởi thanh niên, người lớn đều còn giúp bộ đội gùi đạn, vác bêtông lên để làm lô cốt chống giặc. Đợt cuối cùng chúng tôi đi là vào khoảng tháng 5-1984”.

Vẫn còn nhớ rành mạch chuyến di chuyển trong đêm của đại gia đình nhà mình cũng như mấy chục hộ người Dao từ Nậm Ngặt đi ra, cụ Bàn nói: “Nhận được lệnh sơ tán thì tôi tổ chức cho cả xã trong đó có thôn Nậm Ngặt sơ tán ngay. Tất cả đều phải đi ban đêm và không được dùng lửa. Ai cũng tưởng chỉ đi ngắn ngày thôi nên mỗi gia đình chỉ mang theo vài cân gạo, ít quần áo và đồ dùng. Đi suốt đêm thì cũng đến được xã Đường Âm (huyện Bắc Mê). Trên đường đi, pháo Trung Quốc bắn xuống đì đùng. Từ trước đó mấy ngày, nó đã bắn pháo sang đất của mình rồi”.

Chỉ vào dãy núi đá Ẻ Bang (có nghĩa là núi Cây Cọ) ngay sau nhà, cụ Bàn nói: “Cái vách đá này đã cứu sống không biết bao nhiêu người, cả dân Nậm Ngặt lẫn bộ đội. Trước trận đánh ác liệt để chiếm đồn Thanh Thủy vào tháng 7 thì Trung Quốc đã bắn pháo từ bên kia biên giới rồi. Nó bắn một ngày bốn lần, buổi sáng lúc 8g, rồi đến 1g chiều, rồi 5g tối, 12g đêm. Nó không muốn cho mình làm ăn gì, cũng không cho mình ngủ nốt”.

Kể rằng từ nhỏ ông đã nhớ đến hành động của những tên cướp đến từ bên kia biên giới: “Từ 10 tuổi tôi đã chứng kiến những lần quân Trung Quốc sang cướp của trong làng. Chúng cứ vác súng ra bắn chỉ thiên làm cho cả bản sợ, rồi nó công khai cướp đi tài sản trong nhà. Cứ vài năm một lần bọn chúng lại đến như thế. Chưa bao giờ người Trung Quốc thôi muốn cướp đất của mình cả. Nếu hồi ấy quân đội không bắt buộc dân thôn bản phải ra thì chúng tôi cũng ở lại giữ thôn của mình cho con cháu”.

Nếu chiến tranh thì phải giữ đất

Người thôn Nậm Ngặt có một số người họ hàng sống ở phía bên kia trái núi. Nhiều năm nay, những người họ hàng ấy vẫn qua lại thăm hỏi nhau. “Mới đây, tôi sang thăm họ hàng bên Trung Quốc. Chúng tôi đều biết rõ câu chuyện giàn khoan trên biển” - anh Việt nói. Anh Việt cũng kể rằng anh và những họ hàng của mình đã nói với nhau về việc có thể xảy ra một cuộc chiến tranh. “Chúng tôi đã thăm nhau và ăn cơm với nhau. Chúng tôi là những người bà con, nhưng nếu như xảy ra chiến tranh thì đều phải chấp nhận”.

Dùng con dao phạt lên một vài búi cỏ rậm làm quang đường đi xuống ruộng để chuẩn bị cho một vụ gieo trồng mới, vợ anh Việt đi theo chồng, gương mặt sạm đen vì nắng. Những đứa trẻ con của bản Nậm Ngặt bé tí xíu cầm roi đuổi đàn dê leng keng chuông đi kiếm ăn ở lưng núi. Anh Việt dặn theo mấy đứa trẻ: “Tránh mấy chỗ lô cốt ra nghe chưa. Chỉ đi vào những chỗ đường mòn thôi nhé, kẻo giẫm phải mìn”.

30 năm đã qua rồi mà người lớn ở bản Nậm Ngặt vẫn phải nhắc trẻ con những điều như thế.

30 năm đã qua rồi mà còn hàng trăm hài cốt liệt sĩ vẫn nằm yên trong những cao điểm.

HOÀNG ĐIỆP

MaiCong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên