Tại thời điểm đó ông A giao tiền mặt 10 triệu đồng, không có giấy biên nhận tiền. Phần đất này nhà tôi vẫn sử dụng cho đến tháng 12-2011 khi ông A chuẩn bị lên lấy đất.
Trước đây, ông A có lấy sổ đỏ của bà nội tôi khi mua đất và giữ đến nay chưa trả lại (sổ đỏ là cả lô đất lớn, chỉ mới bán một phần cho ông A). Bà nội tôi mất năm 2004.
Hiện giờ tôi không biết ông A đã làm được sổ đỏ phần đất ông ấy mua hay chưa, có làm được sổ đỏ nếu không có mặt và cũng như sự đồng ý của bố tôi và sổ đỏ mang tên bà nội tôi, nhưng cũng không thấy ông ấy đến đòi đất, dù đất vẫn có người muốn thuê.
Mong được tư vấn cho trường hợp của tôi.
Nguyễn Thanh Hải (HaiNT.Pgbank@... )
- Trả lời:
Theo thư của bạn, tôi hiểu rằng vào năm 1997, bà nội bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng một thửa đất lớn. Sau đó bố của bạn đã ký giấy chuyển nhượng một phần trong thửa đất đó cho một người bạn (ông A).
Theo quy định của pháp luật, trường hợp tại thời điểm bố bạn ký giấy chuyển nhượng, nếu bà nội bạn đã có văn bản ủy quyền hợp lệ cho bố của bạn về việc chuyển nhượng, thì giao dịch giữa bố bạn và ông A là hợp pháp. Tuy nhiên, do ông A chưa hoàn tất nghĩa vụ thanh toán nên giao dịch chưa hoàn tất.
Theo đó, trường hợp các bên có trách nhiệm nhưng tranh chấp không hòa giải được hoặc việc hòa giải không được tổ chức trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày một bên có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp, thì các bên có thể khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp huyện để được giải quyết.
Theo tôi, do ông A không hoàn tất nghĩa vụ thanh toán trong thời gian quá dài và cũng không đòi giao đất kể từ thời điểm ký giấy mua bán, nên có cơ sở để tòa án xem xét việc hủy bỏ giao dịch và trong trường hợp này các bên sẽ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Ngược lại, trường hợp tại thời điểm chuyển nhượng, bà nội của bạn đã không có văn bản ủy quyền hợp pháp cho bố của bạn, thì giao dịch đương nhiên vô hiệu do bố của bạn không có tư cách xác lập giao dịch. Hậu quả của việc giao dịch bị vô hiệu cũng tương tự như trường hợp giao dịch bị hủy.
Về việc ông A cầm giữ sổ đỏ, tôi không loại trừ khả năng việc ông A có thể dùng sổ đỏ của bà nội bạn cùng với giấy chuyển nhượng đã được UBND cấp xã xác nhận để làm thủ tục tách sổ đối với phần đất chuyển nhượng năm 1997.
Do vậy, trong trường hợp này gia đình bạn nên làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, để chuyển tài sản từ bà nội sang những người thừa kế hợp pháp và để được cấp lại sổ đỏ mới. Trong quá trình làm thủ tục, trường hợp ông A đã làm thủ tục tách sổ thì việc cấp giấy sẽ được tạm dừng cho đến khi tranh chấp được giải quyết xong.
Việc giải quyết tranh chấp sẽ được giải quyết theo trình tự và các cơ sở như đã nêu ở trên.
Thân ái chào bạn.
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề nhà đất, thủ tục giấy tờ liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng... hoặc bài vở cộng tác, bạn đọc gửi về mục "Tư vấn nhà đất" hoặc "Địa ốc" tại địa chỉ: diaoc@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn. Địa ốc Tuổi Trẻ Online |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận