22/06/2015 08:35 GMT+7

Giữ rừng cho cao nguyên

MAI VINH
MAI VINH

TT - Dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016 công bố con số giật mình: chưa đầy 5 năm, Lâm Đồng mất khoảng 90.000ha rừng, đa số là rừng thông.

Những cây thông lớn gần 30 năm tuổi bị đốn hạ tại rừng phòng hộ Đambri - Ảnh: Mai Vinh

Chuyện thông rừng bị đốn hạ, đầu độc không quá lạ ở cao nguyên thông xanh bạt ngàn. Cứ vài ngày, vài tháng lại nghe tin hàng trăm, hàng nghìn cây thông ở các khu rừng phòng hộ, rừng nội ô ngã xuống, nhường chỗ cho cây cà phê, hoa màu...

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tỉ lệ che phủ rừng của Lâm Đồng hiện chỉ ở mức 52,5%, riêng TP Đà Lạt có tỉ lệ che phủ rừng thấp nhất với 42%. Sau 10 năm, tỉ lệ rừng che phủ của Lâm Đồng giảm hơn 10%.

Dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016 công bố con số giật mình: chưa đầy 5 năm, Lâm Đồng mất khoảng 90.000ha rừng, đa số là rừng thông.

Các chuyên gia nghiên cứu lâm sinh khu vực Tây nguyên cảnh báo tốc độ mất rừng quá cao và đáng báo động.

“Đi khắp Lâm Đồng lúc nào cũng thấy rừng xanh bạt ngàn nhưng đó chỉ là bề ngoài của rừng. Đi sâu vào trong hoặc dùng không ảnh sẽ thấy rừng của cao nguyên này là tấm da beo loang lổ” - một vị nguyên là giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lâm Đồng nói.

Cần làm gì để cứu rừng thông? PGS.TS Bảo Huy (trưởng Mạng lưới nông lâm kết hợp Đông Nam Á) cho rằng muốn giữ rừng hiệu quả không chỉ dựa vào mỗi lực lượng kiểm lâm như hiện nay mà cần có sự thay đổi cơ chế để nâng cao năng lực giữ và phát triển rừng.

Theo ông, cần ba cơ chế phối hợp tạo nên một hệ thống giá trị tương hỗ, phát triển quyền lợi của người giữ rừng gắn với sự phát triển của rừng.

Thứ nhất, cần điều chỉnh cơ chế chủ rừng (các công ty lâm nghiệp nhà nước và tư nhân) để tạo ra những chủ rừng thật sự, có năng lực và trách nhiệm. Chủ rừng phải được giao quyền như một người chủ nhà, chịu trách nhiệm xuyên suốt trong quá trình kinh doanh và phát triển rừng.

Không phải như hiện nay vấn đề trách nhiệm đang gói trong một nhiệm kỳ cụ thể, khiến những người làm lâm nghiệp có tâm không có thời gian đưa ra những kế hoạch dài hơi phát triển rừng.

Thứ hai, cơ chế tạo ra các giá trị dịch vụ. Để thực hiện cơ chế dịch vụ cần định nghĩa lại giá trị của rừng. Các nước đang giữ rừng tốt không chỉ xem rừng là một kho gỗ. Vì nếu là kho gỗ thì sẽ lấy gỗ để bán, bán hết thì lấy đất làm nông nghiệp, sớm muộn rừng sẽ cạn kiệt.

Trên toàn cầu, người ta xem những giá trị bền vững của rừng như giữ cacbonic (CO2), giữ nguồn nước, phát triển đa dạng sinh học là giá trị dịch vụ và được lượng hóa thành tiền. Nếu phát triển được những giá trị này thì các nước giữ rừng tốt sẽ nhận được nguồn tiền này từ các nước có khí phát thải cao.

Thứ ba, tạo cơ chế tăng quyền lợi cho người dân địa phương gắn với rừng. Người địa phương có quyền lợi với rừng sẽ không phá rừng.

Vì sự am hiểu địa phương và gắn với những giá trị văn hóa của khu rừng mà khả năng giữ rừng của người địa phương rất cao. Hẳn nhiên, người địa phương không độc lập giữ rừng mà phối hợp với kiểm lâm, chủ rừng để mức độ giám sát, phối hợp song song và giám sát chéo tăng lên.

Để các cơ chế này thành hiện thực và hiệu quả, việc định nghĩa, kinh doanh giá trị dịch vụ môi trường dựa trên sự phối hợp với các tổ chức quốc tế phát triển rừng và giá trị rừng rất quan trọng. Vì ở khâu này, nguồn kinh phí lớn để bảo vệ tài nguyên rừng sẽ được sản sinh giúp giảm đầu tư ngân sách.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên