22/01/2023 08:27 GMT+7

Giữ lửa an vui qua mâm Tết

Nhu cầu được sống trong hương vị của những cái Tết xưa vẫn mạnh mẽ vô cùng. Tết vẫn cứ phải là hạnh ngộ sum vầy, được kết dính bởi thứ keo bất diệt là mâm cỗ Tết với các món ăn ngon từ ngàn xưa.

Giữ lửa an vui qua mâm Tết - Ảnh 1.

Một góc mâm cỗ Tết

Cho dù sự tiến hóa của căn bếp, của chiếc bàn ăn, của các món ăn có như thế nào, cấu trúc mâm cỗ Tết có thay đổi ra sao thì giá trị của nó vẫn nhất mực là sợi chỉ đỏ kết nối mỗi con người trong địa giới gia đình. 

Có phải vì vậy, cứ khi Tết cận kề, những người phụ nữ tấm mẳn lại đôn đáo thực hiện chuẩn bị một cái Tết thật chu toàn, với tinh túy tụ hội trong các mâm cỗ cúng tổ tiên ba ngày Tết, để toàn gia hạnh phúc bên những miếng ngon chỉ Tết mới có và để truyền lửa cho thế hệ sau.

Giữ lửa an vui qua mâm Tết - Ảnh 2.

Bát măng nấu chân giò cuộn

Bát canh bóng thả của bà nội

Nhìn mâm cỗ Tết, người ngoài có thể đoán được sự no ấm và hạnh phúc của mỗi gia đình, sự vén khéo của bà "nội tướng". 

Ngay từ khi biết quan sát, tôi đã thấy bà và mẹ của mình cũng như bao phụ nữ khác đã phải chuẩn bị cho nguyên liệu cho mâm cỗ Tết công phu trước hàng tháng trời. Có lẽ lớp trẻ bây giờ sẽ sững sờ, lắc đầu khi nghe nói những món cỗ Tết phải chuẩn bị bằng đấy thời gian.

Nhớ ngày xưa, bà nội chuẩn bị cho món canh bóng thả ngày Tết. Bì lợn phải lấy bì thăn, luộc cho chín rồi lấy dao lạng sạch mỡ còn dính dưới bì, sau đó kẹp hai đầu vào hai thanh tre rồi phơi nắng cho khô cong. Khi bì khô mới lấy chảo to rang cát cho thật nóng rồi cho bì vào rang cùng đến khi bì nổ thành bóng.

Giữ lửa an vui qua mâm Tết - Ảnh 3.

Món nộm su hào Hà Nội

Canh bóng thả không thể thiếu tôm he. Bà tôi thường mua mấy con một, kẹp vào cái đũa chẻ đôi phơi ở sân thượng, bóc vỏ bỏ đầu cất riêng, tôm cất riêng vào lọ thủy tinh đậy kín. Nấm hương cũng mua từ cả tháng phơi khô cất đi. 

Rồi còn vô số thứ lặt vặt khác. Để rồi bát canh bóng thả trong mâm cỗ Tết qua bàn tay của bà rực rỡ như một bức tranh mùa xuân thu nhỏ.

Trứng tráng vàng tươi, giò lụa hồng hồng, thịt thăn trắng nõn, "chân tẩy" thì su hào trắng ngà, cà rốt đỏ tươi, bóng vàng nhạt như những con thuyền nhỏ, đậu Hà Lan xanh mướt, nấm hương nâu sẫm, tôm nõn đỏ hồng, lá mùi xanh nõn. Và trên hết, nước canh bóng thanh và ngọt bởi nước hầm xương và tôm khô, thơm nhẹ mùi gừng, mùi tôm, thịt, nấm hương.

Điều cầu kỳ nữa là thịt thăn, trứng tráng, giò lụa đều thái hình quả trám đều tăm tắp, chân tẩy không chỉ thái quả trám mà còn phải tỉa hoa. 

Bát canh bóng thả đó cho dù nguyên liệu bình dân nhưng chứa chất tình cảm của người phụ nữ gồng gánh gia đình cũng thể hiện sự sáng tạo, sự tinh tế rất Hà Nội, những thứ mà nay vì nhịp sống quá gấp gáp, nên con người ít có thời gian để chăm chút cho một món ăn.

Giữ lửa an vui qua mâm Tết - Ảnh 4.

Bát măng nấu chân giò

Dưới sự chỉ bảo của bà, lần lượt các món được nấu và lên mâm. Bát canh bóng thả nhẹ nhõm nhưng rực rỡ sắc màu, bát canh măng ninh chân giò vàng óng béo ngậy nổi bật cuộn hành chần xanh nõn cùng mấy sợi miến trắng ngà, đĩa bánh chưng xanh vuông vắn lấp ló mấy sợi thịt nạc bị lạt kéo lên, đĩa gà luộc óng ả đầy khêu gợi với những sợi lá chanh thái chỉ

Tiếp nối mâm cỗ tết

Sự truyền lửa của bà nội dần dần lan sang đến những người phụ nữ khác trong gia đình. Tôi vẫn nhớ mãi cảnh bà đi đi lại lại chỉ huy các con dâu, con gái làm mâm cơm cúng tất niên chiều ba mươi. Khi ấy, từ gian bếp nhìn ra cửa, tháp Rùa đã mờ ảo sau màn mưa phùn giăng mắc như tơ nhện trên mấy cây xà cừ, cây cơm nguội...

Ngày xưa chưa có tủ lạnh để trữ thức ăn, cỗ bàn lại nhiều, nhà nào cũng phải thịt dăm ba hoặc cả chục con gà. Thịt gà nhiều nên cũng nhiều lòng gà. Làm cỗ Tết cũng thừa rất nhiều chân tẩy (đầu mẩu su hào, cà rốt, củ đậu). Thế là món xào giả hạnh nhân ra đời để giải quyết các khúc mắc trên cho dù hạnh nhân chỉ làm giả bằng lạc rang. 

Lòng gà, chân tẩy thái vuông nhỏ hơn đốt ngón tay, phi hành thơm xào riêng từng thứ, nêm nếm cho vừa miệng. Hạt đậu Hà Lan tươi trần qua nước sôi lại cho vào nước lạnh rồi mới vớt ra đảo nhanh tay cho hạt đậu chín tới mà vẫn giữ được màu xanh. Lạc rang vàng, bỏ vỏ chao qua mỡ cho hạt lạc vàng bóng rồi trộn tất cả các thứ thật đều và xúc ra đĩa.

Giữ lửa an vui qua mâm Tết - Ảnh 6.

Cánh bóng thả

Đĩa hạnh nhân rất đẹp mắt: hạt đậu xanh, cà rốt hồng, xu hào trắng ngà, củ đậu trắng muốt, miếng gan vàng nhạt, miếng tiết tím sẫm, miếng mề tím nhạt. Thật là rực rỡ phong vị mùa xuân. Thế đấy, cái món vốn chỉ là đầu thừa đuôi thẹo, nhưng nhờ tâm ý của những người phụ nữ Hà Nội đảm đang mà trở thành một món đặc sắc trên mâm cỗ Tết.

Rồi còn đĩa thịt đông trong veo như thạch mát lạnh, đĩa cá trắm đen kho riềng 12 tiếng rục cả xương ăn với bánh chưng rất hợp, đĩa nem rán xinh xinh, bát nước chấm chua dìu dịu, đĩa nộm su hào cà rốt giòn tan, đĩa hạnh nhân rực rỡ sắc màu, đĩa xôi vò vàng óng. Và không thể thiếu được đĩa hành muối nằm cạnh đĩa giò thủ nhiều hoa văn hay đĩa giò lụa phớt hồng, đĩa chả quế đỏ sậm.

Trong mùi thức ăn thơm sực nức quyện hương trầm bay từ nhà trên xuống xen hương mùi già chuẩn bị cho cả nhà tắm gội tẩy trần, tôi thấy bà tôi như trẻ lại. 

Bánh xe thời gian cứ quay, đến giờ bà nội, ông nội và bố tôi lại ở trong danh sách được tôi mời về ăn Tết cùng cháu con sau khi soạn xong mâm cỗ tất niên. Đấy chính là ý nghĩa của mâm cỗ Tết cổ truyền mà chúng ta luôn muốn lưu giữ, mãi tận mai sau.

Một số món Tết mâm cỗ miền Bắc: 

Giữ lửa an vui qua mâm Tết - Ảnh 7.

Món bóng xào

Giữ lửa an vui qua mâm Tết - Ảnh 8.

Chim hầm hạt sen cốm non

Giữ lửa an vui qua mâm Tết - Ảnh 9.

Giò xào

Giữ lửa an vui qua mâm Tết - Ảnh 10.

Nem rán Hà Nội

Món Tết ngày xưa xứ BắcMón Tết ngày xưa xứ Bắc

TTO - Khi nắng ấm nhẹ trải xuống bên hiên, ong bướm thật hiền cõng hương hoa trên đôi cánh, mẹ đi chợ gánh cả mùa xuân trên chiếc thúng nan tre. Một mâm gạo nếp, một rá đỗ xanh, cả nhà cùng gói bánh chưng và nấu những món ăn ngày Tết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên