21/05/2019 09:07 GMT+7

Giọt dầu thổi bùng 'lửa' Trung Đông?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Tình hình Trung Đông đang chênh vênh như giá dầu thế giới hiện nay. Trong khi Iran không thể chờ lâu, các nước còn lại đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ chiến tranh.

Giọt dầu thổi bùng lửa Trung Đông? - Ảnh 1.

Những ngọn lửa nhìn từ một giàn khoan khai thác dầu ở vịnh Ba Tư, phía nam thủ đô Tehran, Iran - Ảnh: Reuters

Giá dầu ngày 20-5 cải thiện sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih nói đã có một sự đồng thuận về việc duy trì nguồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đối tác, trong đó có Nga.

Áp lực của OPEC

Ngày 19-5, các nước sản xuất dầu thô đã có cuộc họp thảo luận giải pháp bình ổn thị trường dầu, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh có thể làm gián đoạn nguồn cung.

Sự kiện cấp bộ trưởng này được xem là cuộc họp trù bị cho những nội dung chính sẽ được thông qua vào cuối tháng 6 tới, thời điểm diễn ra thượng đỉnh OPEC. Tại thượng đỉnh, các thành viên OPEC và đối tác gồm Nga (OPEC+) sẽ thống nhất mục tiêu tăng, duy trì hay cắt giảm sản lượng trong 6 tháng cuối năm 2019. Hiện tại, OPEC+ vẫn trong giai đoạn thống nhất cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày để duy trì sản lượng và ngăn rớt giá.

Đài Al Jazeera (trụ sở Qatar) cho biết tâm điểm trong cuộc họp ngày 19-5 là Iran, thành viên OPEC, đã không tham dự. Hiện phía Iran và Saudi Arabia - vốn được cho là lãnh đạo không chính thức của OPEC - đang có xung đột riêng. Chưa kể Tehran cũng là cái tên dính chặt với những khó khăn địa chính trị ảnh hưởng tới quyết định neo giữ giá dầu 6 tháng tới.

Nguy cơ chiến tranh tại Iran và lan rộng ra khủng hoảng ở Trung Đông liên tục được hâm nóng những ngày này, với việc Mỹ triển khai nhóm tàu tác chiến và máy bay ném bom B-52 tới vùng Vịnh.

Trong một dòng trạng thái trên Twitter ngày 19-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: "Nếu Iran muốn chiến thì đó chính thức là ngày tàn của Iran. Đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ thêm lần nữa".

Nếu có xung đột quân sự xảy ra, giá dầu gần như chắc chắn sẽ leo thang. Trước hết, bản thân OPEC cần giữ sản lượng để bình ổn giá, cũng như dự trù cho tình huống thiếu cung trầm trọng vì một số nhà cung cấp đang gặp vấn đề. 

Iran và Venezuela không thể xuất khẩu do lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi Qatar đã rút sau khi không giải quyết được mâu thuẫn của nước này với các nước Ả Rập.

Khó biến động lớn

Dù ông Falih thừa nhận "mọi chuyện có thể thay đổi vào tháng 6", giới quan sát thị trường vẫn cho rằng giá dầu khó biến động quá lớn vào thời điểm này. Có thể thấy ngọn lửa xung đột ở Trung Đông có thể bùng phát chỉ bằng những giọt dầu.

Nếu thực sự OPEC neo giá, chuyện gì sẽ xảy ra? Iran chắc chắn phản đối việc này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới "yết hầu" xuất khẩu của Tehran. Xuất khẩu dầu của Iran có thể rớt xa hơn trong tháng 5. 

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết trong thời gian ngắn, Iran đã chứng kiến xuất khẩu dầu của nước này rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Điều đó lý giải một sự thật rằng Iran cần giá dầu tăng để bù đắp sự sụt giảm doanh số, hẳn nhiên điều này đi ngược lại "sự thống nhất" mà OPEC đạt được trong cuộc họp mới đây. 

Và hẳn nhiên trong tình huống như vậy, dễ hiểu vì sao giới chóp bu Iran nóng mặt khi Saudi Arabia, hiện đứng về phía Mỹ, vỗ ngực tuyên bố hoàn toàn đủ khả năng "lấp đầy khoảng trống" mà Iran cũng như Venezuela và Qatar bỏ lại trên thị trường dầu thế giới.

Đáp lại ý tưởng "lấp đầy khoảng trống" của Saudi Arabia, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cách đây 2 tuần đã cảnh báo OPEC đang trên bờ vực sụp đổ vì "một số nước" muốn áp đảo các quốc gia thành viên.

Nói cách khác, trong lúc OPEC lấp lửng ý tưởng giữ nguyên giá dầu, nguy cơ xung đột có thể bùng phát khi Iran không thể để tình trạng này kéo dài. Và dường như nguồn cơn cho xung đột Trung Đông sẽ nằm ở đây.

Điểm nóng ở eo biển Hormuz

Mỹ và các nước đối thủ hiện tố cáo Iran "mở đường máu" bằng cách lén lút tấn công các tàu chở dầu của Saudi Arabia để gây áp lực. Tuần trước, bốn chiếc tàu chở dầu - hai trong số đó gắn cờ Saudi Arabia - được cho đã bị tấn công gần khu vực eo biển Hormuz. 

Đây là eo biển có vai trò cực kỳ quan trọng, là tuyến đường biển duy nhất nối vịnh Ba Tư với biển Ả Rập và có gần 1/3 giao dịch cung ứng dầu toàn cầu đi qua đây. Iran được cho cũng đe dọa đóng eo biển Hormuz nếu bị ép vào đường cùng, dù khả năng này khó có thể xảy ra.

Dù sao đi nữa, bất kỳ động thái nào liên quan tới eo biển Hormuz hay các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu đều sẽ kích nổ quả bom xung đột trong khu vực. Trước tình hình này, AFP ngày 20-5 đưa tin Vua Salman của Saudi Arabia đã mời lãnh đạo các quốc gia vùng Vịnh và Liên đoàn Ả Rập dự hai cuộc họp khẩn ở Mecca vào ngày 30-5 tới để giải quyết căng thẳng.

71 USD Giá dầu Brent tương lai từng có lúc chạm đỉnh 73,23 USD/thùng trong ngày 20-5, tức tăng 1,02 USD/thùng (1,4%) so với lần chốt phiên gần nhất. Ngân hàng J.P Morgan dự đoán giá dầu Brent sẽ chạm mốc 75 USD/thùng vào quý thứ hai của năm nay, nhưng vào cuối năm sẽ quay về khoảng 71 USD/thùng.

Mỹ nói đủ dầu cho thế giới, Iran nói coi chừng vỡ mộng Mỹ nói đủ dầu cho thế giới, Iran nói coi chừng vỡ mộng

TTO - Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh khẳng định Saudi Arabia và UAE đã nói quá về năng lực sản xuất dầu mỏ khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố hai nước này đủ sức lấp đầy khoảng trống của Iran trong thị trường thế giới.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên