01/10/2005 18:44 GMT+7

"Gióng chuông cảnh báo về sự an toàn của đê điều"

KHIẾT HƯNG thực hiện
KHIẾT HƯNG thực hiện

TTCN - “Nói tới đê điều không ai dám nói đến sự an toàn tuyệt đối”. Ông NGUYỄN TY NIÊN, nguyên cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn), nói như vậy trong cuộc trao đổi với TTCN sau sự cố vỡ đê, sạt lở đê biển trong cơn bão số 7 vừa qua.

qe3FJO4a.jpgPhóng to

Một đoạn đê biển Nghĩa Hưng (Nam Định) bị vỡ - Ảnh: Nguyên Nhung

TTCN - “Nói tới đê điều không ai dám nói đến sự an toàn tuyệt đối”. Ông NGUYỄN TY NIÊN, nguyên cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn), nói như vậy trong cuộc trao đổi với TTCN sau sự cố vỡ đê, sạt lở đê biển trong cơn bão số 7 vừa qua.

Pháp lệnh đê điều đang bị vi phạm nghiêm trọng

* Thưa ông, hàng chục nghìn mét đê biển bị vỡ, bị sạt lở sau cơn bão số 7 vừa qua chứng tỏ hệ thống đê biển VN rất yếu kém?

- Hệ thống đê biển có đặc điểm là phải chống chịu với thủy triều, chống chịu gió bão. Gió bão ở đây khác trong nội đồng là nó đánh trực diện vào đê. Nếu trong điều kiện thủy triều lên thì mức độ nguy hiểm với đê biển càng lớn. Trên thực tế, đê biển VN được xây dựng chỉ đủ khả năng chống chịu với bão cấp 9 trong điều kiện thủy triều bình thường. Vừa qua cơn bão cấp 12 đổ bộ vào, tức là vượt quá khả năng chịu đựng của đê, lại đúng thời điểm thủy triều lên nên sự cố sạt đê, vỡ đê là tất yếu.

pFxzALRj.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Ty Niên
* VN là nước chịu ảnh hưởng của bão mạnh đến cấp 12 nhưng tại sao hệ thống đê biển lại chỉ được thiết kế chịu được bão cấp 9?

- Chúng ta cũng muốn xây dựng những tuyến đê có khả năng chống được bão mạnh hơn nhưng ngân sách nhà nước chưa thể gánh nổi. Chúng ta phải cân đối giữa khả năng tài chính và khả năng thiên tai; tài chính chúng ta có hạn, còn bão mạnh cấp 12 thì hàng chục năm mới có một lần. Nếu muốn xây dựng 1km đê biển vững chắc thì phải đầu tư ít nhất 50 - 70 tỉ đồng, trong khi đầu tư cho toàn bộ hệ thống đê điều hằng năm của chúng ta hiện nay chỉ đạt 300 - 400 tỉ đồng. Vì thế, nếu kiên cố hóa tất cả hệ thống đê biển thì chúng ta phải mất rất nhiều tiền.

* Như thế nguy cơ phải chịu thiệt hại do vỡ đê biển trong những cơn bão mạnh vẫn đe dọa thường trực?

- Thật ra kinh phí đầu tư kiên cố đê chỉ là một phần. Chúng ta có nhiều giải pháp để giảm thiểu thiệt hại gây ra trong những trận bão lớn. Thứ nhất, yếu tố đặc biệt quan trọng để bảo vệ hệ thống đê biển là hệ thống rừng sinh thái ngập mặn. Rừng sinh thái ngập mặn là một bức tường chắn sóng.

Khi sóng biển qua rừng ngập mặn vào đến đê thì năng lượng của sóng đã giảm 40 - 50% nên sức phá hoại đê bị giảm đáng kể. Những nơi không có đất trồng rừng như Hải Hậu (Nam Định), chúng ta vẫn có thể trồng các dải phi lao chắn sóng. Trước đây, thông qua dự án PAM, chúng ta đã trồng được hàng nghìn hecta rừng ngập mặn suốt dọc tuyến đê biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh.

Thiệt hại về đê biển trong cơn bão số 7

Báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cho biết bão số 7 làm vỡ 275m đê gồm 50m đê tại Hải Phòng, 200m tại Nam Định, 25m tại Thanh Hóa. Bão cũng làm sạt lở 54.055m đê gồm 1.250m đê tại Nam Định, 3.500m tại Thái Bình, 725m tại Ninh Bình, 18.580m tại Thanh Hóa, 30.000m tại Nghệ An.

Tiếc rằng trong những năm qua, nhiều địa phương đã phá rừng ngập mặn làm đầm nuôi tôm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của đê biển. Tôi muốn nói thêm rằng hiện tại chúng ta đang đầu tư 500km đê biển ở Nam bộ. Đây là khu vực có nền đất yếu, đắp năm nay, năm sau lại lún nên việc trồng rừng chắn sóng có yếu tố quyết định đến sự an toàn của đê.

Thứ hai, trong công cuộc chống thiên tai, trách nhiệm của cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu. Chúng ta đã có pháp lệnh đê điều qui định hành lang bảo vệ đê biển phải là 200 - 500m nhưng những qui định đó đều bị vi phạm nghiêm trọng. Cần phải hiểu rằng các qui định trong pháp lệnh đê điều là cơ sở khoa học đã được tính toán chứ không phải đặt ra để gây khó dễ cho người dân.

Thứ ba, chúng ta phải thực hiện phương án hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ” (vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Trong cơn bão số 7 vừa qua chúng ta đã làm rất tốt việc này nên giảm được thấp nhất số người thiệt hại.

Bây giờ cơn bão đã qua, tôi cho rằng cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của đê điều, nhất là với lãnh đạo chính quyền các cấp. Chúng ta không thể đòi Nhà nước đầu tư kinh phí lớn vì bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, công tác đê điều đòi hỏi ý thức trách nhiệm rất lớn của cộng đồng. Hệ thống đê điều không thể xây dựng được trong ngày một ngày hai mà phải có sự chăm lo, bảo vệ qua nhiều năm, qua nhiều thế hệ. Đê điều có tốt hay không phụ thuộc vào ý thức của cộng đồng.

* Vậy theo ông, thực trạng đê điều nước ta đang ở mức độ nào?

- Tình trạng vi phạm pháp lệnh đê điều đang rất đáng lo ngại. Ngay như ở Hà Nội, tuyến đê sông Hồng là tuyến đê cấp 1, riêng đoạn chảy qua TP là đoạn cấp đặc biệt, nghĩa là có tầm quan trọng rất lớn trong việc bảo vệ nền kinh tế và sinh mạng người dân thủ đô nhưng chính quyền Hà Nội vẫn không quản lý được tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê. Rồi ở nhiều địa phương khác, rừng ngập mặn là lá chắn cho tuyến đê cũng bị phá hoại nghiêm trọng.

Công tác bảo vệ, tu bổ, chăm sóc đê được cả ngân sách nhà nước và địa phương hỗ trợ. Dù được đầu tư nhiều đến bao nhiêu nhưng không ai dám nói tới sự an toàn tuyệt đối của đê, không ai dám khẳng định hệ thống đê không có sự cố. Chỉ cần hiện tượng mối ăn trong chân đê, hiện tượng thẩm lậu qua đê cũng có thể gây ra những nguy hiểm khó lường. Vì thế, tôi rất chia sẻ với những đồng nghiệp của mình trong những ngày này vì trách nhiệm quá lớn trong khi cơ sở vật chất không được đảm bảo. Dù vỡ đê ít hay nhiều đều gây thiệt hại nên không bao giờ nói rằng có một hệ thống đê an toàn.

AwHGS9WV.jpgPhóng to Bu9Qs1qo.jpg
Bộ đội biên phòng cứu đê bị vỡ tại Nam Định Đám cưới trong ngày bão ập vào Nam Định 27-9

* Sau sự cố vỡ đê vừa qua, chúng ta rút ra được những bài học gì?

- Bài học về tổ chức lực lượng hộ đê, ứng cứu kịp thời vẫn là bài học lớn nhất. Tiếp nữa, sự cố vỡ đê, sạt lở đê vừa qua càng khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống rừng ngập mặn. Cuối cùng, tôi cho rằng cần phải có chiến lược, kế hoạch dài hạn về đê điều. Trên cơ sở đó, chúng ta phân kỳ đầu tư, phân kỳ mục tiêu phấn đấu để thực hiện.

Việc chỉ đầu tư xây dựng hệ thống đê biển chống được bão cấp 9 cũng là một giai đoạn đầu tư. Sau cơn bão số 7, chúng ta phải tiếp tục chiến lược mới để nâng cấp đê nhưng phải phù hợp với khả năng kinh tế.

Cuộc chiến đấu với thiên tai là cuộc chiến đấu dai dẳng, dài hạn mà trong đó giải pháp con người, giải pháp cộng đồng là một trong những yếu tố quyết định. Có làm đê kiên cố đến bao nhiêu mà ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ đê, tu bổ đê kém thì kết quả cũng sẽ vứt đi.

89IG4aho.jpgPhóng to XkbeeoRT.jpg
Tuyến đê biển Táo Khoai (xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu) vỡ gần 1.000m. Đây là tuyến đê vỡ lớn nhất tỉnh Nam Định. Đê vỡ khiến trên 6.000 người dân Hải Hòa chịu cảnh nhà ngập, không chỗ ở, thiếu cái ăn

Hệ thống đê điều các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra gồm 2.372km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt, 3.973km đê biển và đê dưới cấp 3. Theo qui định của Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, các tuyến đê thuộc hệ thống sông Hồng phải bảo đảm an toàn với mức nước lũ thiết kế 13,10m, riêng đê hữu sông Hồng thuộc phạm vi nội thành Hà Nội là đê cấp đặc biệt, phải đảm bảo mức chống lũ 13,40m; các tuyến đê thuộc hệ thống sông Thái Bình phải giữ được an toàn với mức nước lũ 7,2m; các tuyến đê sông Mã, sông Chu phải đảm bảo an toàn với mức lũ là 13,12m, nơi cao nhất là 13,86m; các tuyến đê sông Cả, sông La phải đảm bảo an toàn với mức lũ 10,38m; các tuyến đê biển phải đảm bảo an toàn chống được gió bão cấp 9 với mức thủy triều tần suất 5%.

Nguồn: Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão.

KHIẾT HƯNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên