07/09/2016 15:13 GMT+7

Sách là sản phẩm giải trí và cung cấp kiến thức

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - "Ở Pháp hiện nay đã thay đổi hẳn quan niệm sách là sản phẩm tri thức, thay vào đó là quan niệm sách là sản phẩm giải trí, đồng thời cũng vừa cung cấp kiến thức cho người đọc” - theo ông Vincent Monadé, Chủ tịch Trung tâm Sách Quốc gia Pháp.

Ông Vincent Monadé (thứ 2 từ trái) đang trò chuyện về ngành công nghiệp xuất bản ở Pháp - Ảnh: L.Điền
Ông Vincent Monadé (thứ 2 từ trái) đang trò chuyện về ngành công nghiệp xuất bản ở Pháp - Ảnh: L.Điền

Nhân dịp Tổng thống Pháp François Hollande đến TP.HCM, một đoàn gồm các giáo sư, nhà văn và ông Chủ tịch Trung tâm Sách Quốc gia Pháp có cuộc gặp với NXB Trẻ và đại diện lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam vào sáng 7-9.

Không phải phiên gặp gỡ ký kết hợp tác, cũng không hẳn là chuyến viếng thăm xã giao, cuộc gặp gỡ hai bên giữa đoàn Pháp và những người làm xuất bản phía Việt Nam lần này cùng nói lên câu chuyện xuất bản thời hiện tại.

Đoàn Pháp, ngoài ngài Vincent Monadé - Chủ tịch Trung tâm Sách Quốc gia Pháp, còn các nhân vật nổi tiếng như GS Philippe Papin - phụ trách ngành nghiên cứu lịch sử Việt Nam, trường Cao học thực hành, GS Pierre Journoud - giáo sư lịch sử đương đại tại đại học Paul-Valéry Montpellier, nhà văn Line Papin, GS Trịnh Xuân Thuận, bà Đỗ Thị Minh Nguyệt - đại diện Viện Pháp tại Việt Nam…

Luật về giá sách

Đáp lại phần giới thiệu của ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ - với những thông tin về doanh thu, lợi nhuận và năng lực sản xuất của NXB Trẻ hàng năm lên đến 1.600 nhan đề sách, ông Vincent Monadé cho biết ở Pháp hiện có 2.500 cửa hàng sách nhỏ lẻ. 

Thông tin quan trọng nhất ông Vincent Monadé mang đến cuộc trò chuyện chính là phần giới thiệu Đạo luật về giá sách duy nhất ở Pháp (còn gọi là đạo luật Jack Lang - mang tên vị Bộ trưởng Văn hóa Jacques Lang) trong đó quy định ba nội dung quan trọng: Các nhà xuất bản là nơi có quyền ấn định giá sách (ta gọi là giá bìa); các nhà phát hành không được bán giảm giá quá 5% so với giá ấn định; và trong hai năm đầu của một quyển sách kể từ ngày phát hành, các nhà phát hành không được giảm giá. 

Sách là ngành công nghiệp văn hóa ở Pháp mang lại doanh thu 4 tỉ Euro mỗi năm.

“Các điều luật này tạo nên một hệ quả thuận lợi, là cơ sở để các cửa hàng sách nhỏ lẻ cạnh tranh với các nhà phát hành lớn”, ông Vincent nhấn mạnh. Với chính sách về giá sách và các quy định giảm giá khuyến mãi được luật hóa như vậy, các đơn vị phát hành toàn quốc cùng bình đẳng với nhau bất kể quy mô công ty, cửa hàng là lớn hay nhỏ.

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 nhan đề sách được xuất bản, nhưng vận hành của thị trường vẫn chưa được tổ chức theo hướng các cơ sở lớn nhỏ đều bình đẳng trong việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng như thu hút bạn đọc.

Cùng tham dự trong cuộc trò chuyện, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho rằng những thông tin pháp lý về ngành sách từ phía Pháp rất bổ ích và là cơ sở để những người làm nghề xuất bản tại Việt Nam hướng đến việc xây dựng một thị trường hấp dẫn hơn, với các cơ hội phát hành tốt hơn cho cả phía nhà phát hành và số đông bạn đọc.

Sách là sản phẩm giải trí

Trong phần trao đổi về các đề tài sách, phía Pháp chia sẻ hiện nay loại sách Young Adult (cho lứa tuổi thanh niên) đang rất phát triển tại Pháp. Điều này có vẻ tương đồng với Việt Nam. Đặc biệt, theo ông Vincent Monadé ở Pháp hiện nay đã thay đổi hẳn quan niệm sách là sản phẩm tri thức, thay vào đó là quan niệm sách là sản phẩm giải trí.

“Đây cũng là xu hướng chung của các nước. Và các nhà xuất bản ở Pháp phải đóng vai trò kép trong việc vừa tạo ra sản phẩm giải trí bằng sách, đồng thời cũng vừa cung cấp kiến thức cho người đọc”, ông Vincent chia sẻ trong sự đồng tình từ phía Việt Nam.

GS Philippe Papin và con gái, nhà văn Line Papin, trong cuộc chuyện trò tại NXB Trẻ. Ảnh: L.Điền
GS Philippe Papin và con gái, nhà văn Line Papin, trong cuộc chuyện trò tại NXB Trẻ. Ảnh: L.Điền

GS Philippe Papin gợi ý rằng các tác phẩm “kinh điển” của Pháp thời xưa với những bản dịch tuyệt vời của Nguyễn Văn Vĩnh từ đầu thế kỷ 20 liệu bây giờ có được độc giả Việt Nam đón nhận không? Nếu được thì nên giới thiệu lại, và rằng còn rất nhiều tác phẩm của các nhà thơ Pháp “hay lắm” nhưng chưa được giới thiệu ở Việt Nam.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Minh Nhựt cũng đưa ra lời kêu gọi đối với GS Philippe Papin và GS Pierre Journoud rằng nếu có bản thảo sách về đề tài lịch sử có thể gửi đến NXB Trẻ. Nhắc lại vai trò “cung cấp kiến thức” của xuất bản hiện nay, ông Vincent hóm hỉnh: Trước kia, nhà xuất bản chủ động cung cấp tri thức cho độc giả, nhưng nay thì độc giả đặt ra các yêu cầu với nhà xuất bản. Để tồn tại và phát triển, không thể bỏ qua những “đơn đặt hàng” kiểu như vậy, kể cả ở lĩnh vực sách sử.

Sách lịch sử có vị trí như thế nào tại Việt Nam? 

Đây là câu hỏi của Giáo sư sử học Pierre Journoud. Đáp lại câu hỏi này, ông Nguyễn Minh Nhựt giới thiệu mảng sách lịch sử như một thế mạnh của NXB Trẻ, từ loạt truyện tranh “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” đến các đầu sách nặng ký, có tính khảo cứu, và sách về các nhân vật lịch sử như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Giàu… 

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận hỏi tiếp rằng về lịch sử, liệu phía Việt Nam có hoan nghênh các sách sử khác với sử chính thống của Việt Nam không? Mọi người ồ lên chia sẻ điều quan tâm này của vị Giáo sư nổi tiếng, và ông Nhựt nhã nhặn cho rằng mọi việc có thể bắt đầu từ những bản thảo cụ thể, và thật khó để nói gì khi chưa có bản thảo trên tay. 

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng cũng kịp thời đưa ra thông tin rằng vừa qua ở Việt Nam đã tái bản sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, một tín hiệu cho thấy sự cởi mở nhất định trong việc xuất bản các sách đề tài lịch sử.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên