![Giới nhà giàu Trung Quốc tiêu thụ mạnh tôm hùm Việt Nam - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/base64-17395205860601247435281.png)
Người nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu - Phú Yên
Theo VASEP, năm 2024 xuất khẩu tôm hùm Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh. Nửa đầu tháng 1-2025, tôm Việt Nam xuất sang Trung Quốc và Hong Kong tăng mạnh 191% so với cùng kỳ năm 2024, đạt hơn 51 triệu USD.
Tôm hùm được người Trung Quốc chế biến đa dạng từ hấp, nướng đơn giản đến cầu kỳ kiểu Quảng Đông hoặc sốt cay… chiếm tỉ trọng cao nhất 51,7%. Tiếp đó tôm chân trắng chiếm 36,1% và tôm sú chiếm 12,2% tỉ trọng.
Nhờ tăng trưởng mạnh, Trung Quốc và Hong Kong vượt qua Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
"Tôm chân trắng từng là mặt hàng thường xuyên có mặt trên các bàn ăn của tầng lớp trung lưu, được ưa chuộng vì giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và tăng trưởng thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt tăng, người tiêu dùng ngày càng chú ý đến hiệu quả chi phí; protein thủy sản đang dần chuyển từ "ưa thích" sang "tùy chọn".
Trong bối cảnh này, tôm chân trắng là sản phẩm nhạy cảm với giá cả, phải chịu ảnh hưởng của sự suy giảm nhu cầu", VASEP dẫn nguyên nhân tôm hùm Việt được chuộng.
Trong khi đó, nhập khẩu tôm chân trắng của Trung Quốc trong năm 2024 đạt 6,8 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước đó. Tiêu thụ tôm chân trắng lại rơi vào người tiêu dùng trung cấp và bình dân của Trung Quốc, sử dụng trong các món xào, xúp, bánh bao, lẩu.
VASEP lý giải tôm hùm, cá hồi, cua hoàng đế tăng mạnh vì mức tiêu dùng của người giàu ở Trung Quốc tương đối ổn định. Trong khi thị trường hàng tiêu dùng bình dân dễ bị tổn thương trước áp lực kinh tế tại Trung Quốc.
Năm 2025, doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì?
Mới đây, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc thông tin năm 2024, GDP nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 5%. Giới phân tích đánh giá kinh tế Trung Quốc năm ngoái ổn định hơn kỳ vọng, nhờ hàng loạt chính sách kích thích kinh tế.
Dù vậy, rủi ro cuộc chiến thương mại mới với Mỹ, phụ thuộc vào lộ trình tăng thuế hoặc trừng phạt mà ông Trump đưa ra và nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi trong năm 2025.
Nguyên tổng thư ký VASEP, ông Trương Đình Hòe cho rằng để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, năm 2025 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nâng cao khả năng cung ứng qua các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử; chú ý đầu tư bao bì và nhãn mác thu hút người tiêu dùng, có thông tin về sản phẩm bằng tiếng Trung Quốc và vật liệu đóng gói phù hợp vận chuyển đường dài…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận