Trưa 1-7, nối tiếp chuỗi hoạt động dày đặc của buổi sáng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tọa đàm với các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan và là xu thế chung của thế giới, Thủ tướng cho biết Việt Nam tập trung phát triển các ngành mang lại giá trị cao, nhất là các ngành mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...
Do đó, ông mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình để ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
"Đề nghị bộ phận hậu cần cho thức ăn lên luôn. Chúng ta sẽ cùng ăn trưa và làm việc để tiết kiệm thời gian", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói sau đó.
Trong bài phát biểu lần lượt sau đó, các chuyên gia và nhà khoa học Hàn Quốc đánh giá cao chiến lược phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ của Việt Nam, trong đó có ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Tiến sĩ Chang Joon Yeon, phó chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), cho biết Hàn Quốc đã nghiên cứu bán dẫn từ lâu. Đơn cử như Samsung, một trong những nhà sản xuất lớn hiện nay của thế giới, đã đến KIST để tìm hiểu về bán dẫn từ những năm 1970.
Một số ý kiến khác tại tọa đàm cũng cho thấy từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, muốn xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn phải có đầu tư lớn và trong thời gian đủ dài.
Theo các chuyên gia và nhà khoa học, hiện nay các sản phẩm bán dẫn thế hệ cũ đã đạt đỉnh điểm nên cần sản xuất bán dẫn thế hệ mới.
Với Việt Nam, để phát triển ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, các nhà khoa học Hàn Quốc cho rằng phải có đầu tư lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao và tiến hành ngay các dự án cụ thể có tính chất đi tắt, đón đầu.
Trong đó, giai đoạn mất nhiều thời gian nhất, theo giáo sư Lim Jung Wook thuộc Viện Nghiên cứu điện tử viễn thông (ETRI), là việc đào tạo nguồn nhân lực cần thiết, đáp ứng được yêu cầu và bối cảnh phát triển mới.
Câu hỏi chung được các chuyên gia nêu ra là Việt Nam có kế hoạch đào tạo và sử dụng nguồn chất xám từ sinh viên được đào tạo về bán dẫn như thế nào?
Về vấn đề này, giáo sư Jeong Moon Seok (Đại học Hanyang) thậm chí còn cảnh báo nguy cơ nguồn nhân lực đó có thể bị quốc gia khác "cướp mất" do họ cũng có mục tiêu tương tự.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần có cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực bài bản, cụ thể cho ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Ngoài huy động nhân lực tại chỗ, Việt Nam cần huy động trí tuệ, nguồn lực người Việt toàn cầu, cũng như các nước, trong đó có Hàn Quốc. Những nhà khoa học đã nghỉ hưu có thể được xem như một nguồn tài nguyên.
Thông tin với các chuyên gia và nhà khoa học Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam xác định đào tạo 50.000 nhân lực bán dẫn từ nay tới 2030.
Trong đó có 15.000 kỹ sư trong lĩnh vực thiết kế và 35.000 kỹ sư cho các ngành khác, đặc biệt bao gồm 5.000 kỹ sư cho trí tuệ nhân tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, tổ chức giáo dục của Hàn Quốc có thể cung cấp thêm học bổng cho sinh viên Hàn Quốc, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo hàng chục ngàn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia và nhà khoa học Hàn Quốc, đồng thời đề nghị họ tiếp tục đóng góp ý kiến, giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết trong chuyến thăm này, khi hội đàm và hội kiến với lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, ông sẽ đề xuất hai bên ký kết một thỏa thuận hợp tác liên chính phủ về phát triển ngành công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Đề nghị Hàn Quốc tăng tiếp nhận lao động Việt Nam
Rời cuộc tọa đàm kết hợp ăn trưa với các chuyên gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tiếp Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc. Ngoài các bộ trưởng, lãnh đạo cơ quan liên quan của hai bên, còn có hơn 600 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng chia sẻ Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, do đó hợp tác lao động cần thúc đẩy tương xứng với tầm mức này.
Ông đề nghị Hàn Quốc tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, an toàn, thân thiện cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, đảm bảo họ được hưởng các lợi ích chính đáng của mình và thực hiện tốt Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình EPS, lao động trong ngành đóng tàu, nông nghiệp, tàu cá và mở rộng ngành nghề mới mà Hàn Quốc có nhu cầu như công nghệ thông tin, điều dưỡng và dịch vụ…
Với các bộ, ngành và địa phương Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu tăng cường hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp, kết nối người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc vừa về nước với các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam,...
Thủ tướng mong muốn lao động Việt Nam tại Hàn Quốc có ý thức về trách nhiệm hơn, trước hơn là với chính mình, với gia đình, với xã hội và hai đất nước.
Ông căn dặn lao động cần cư xử đúng văn hóa của người Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế và với các bạn Hàn Quốc.
"Các bạn chính là những chiếc cầu nối hai quốc gia, hai dân tộc đang hướng đến một tương lai cùng phát triển và cùng thịnh vượng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận