24/11/2017 10:34 GMT+7

Giới chủ ngân hàng đau đầu lựa chọn đi hay ở

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH

TTO - Các chủ ngân hàng thường là chủ các doanh nghiệp khác. Nhưng luật mới quy định sếp ngân hàng không được đồng thời là sếp doanh nghiệp khiến không ít ông chủ đau đầu.

Giới chủ ngân hàng đau đầu lựa chọn đi hay ở - Ảnh 1.

Ông Dương Công Minh vừa là chủ tịch HĐQT Sacombank vừa là chủ tịch Him Lam. Theo quy định mới, ông Minh cho biết sẽ lựa chọn ngân hàng và từ bỏ chức vụ ở doanh nghiệp khác - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 15-1-2018, có nhiều điều khoản, quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo.

Trong số đó có quy định chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của một tổ chức tín dụng (TCTD) không được đồng thời giữ các chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác.

Giữ chức nào?

Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 15-1-2018, có nhiều điều khoản, quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo.

Trong số đó có quy định chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời giữ các chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác.

Quy định này sẽ dẫn đến tình trạng ông chủ ngân hàng buộc phải lựa chọn từ bỏ một trong hai chức danh. 

Thực tế hiện nay đa số chủ tịch HĐQT của các ngân hàng cổ phần đều nắm giữ vị trí chủ tịch hoặc thành viên hội đồng quản trị của doanh nghiệp khác.

Các chủ ngân hàng kiêm nhiệm doanh nghiệp nào?

Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Đỗ Quang Hiển hiện là chủ tịch của Tập đoàn T&T và Công ty Chứng khoán SHS...

Ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT Sacombank đồng thời là chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Him Lam.

Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú đang là chủ tịch HĐQT của Tập đoàn DOJI.

Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh là phó chủ tịch HĐQT của Masan Group.

Ngoài ra chủ tịch HĐQT VIBank Đặng Khắc Vỹ là chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings.

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch HĐQT Seabank là chủ tịch của BRG Group và là chủ tịch/thành viên HĐQT của nhiều công ty khác như Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam ...

Ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch ABBank, đang là chủ tịch Geleximco.

Chủ tịch Kiên Long Bank Võ Quốc Thắng là chủ tịch kiêm tổng giám đốc Đồng Tâm Group và VPF.

Ông Phương Hữu Việt, chủ tịch HĐQT NH TMCP Việt Á, cũng là chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Việt Phương.

Bà Thái Hương được biết đến với 2 chức vụ chủ tịch HĐQT NH TMCP Bắc Á và Công ty cổ phần sữa TH.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ tịch NH TMCP Quốc Dân (NCB) hiện nay cũng là chủ tịch Tập đoàn Gami…

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 23-11, ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết tới đây ông sẽ thôi chức chủ tịch HĐQT Công ty Him Lam để tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Minh, việc ông thôi chức ở Him Lam sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty này.

Trong khi đó nhiều lãnh đạo ngân hàng khác đang cân não để đưa ra lựa chọn. 

Ông Đỗ Minh Phú, chủ tịch HĐQT TPBank, cho biết đang cân nhắc trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Trong khi ông Võ Quốc Thắng, người đang giữ 3 ghế chủ tịch gồm Ngân hàng Kiên Long, Công ty VPF và Công ty Đồng Tâm, thì nói rằng việc này sẽ được bàn bạc, trao đổi trong hội đồng quản trị cũng như trong các đại hội cổ đông tới đây.

Có chặn được cho vay sân sau?

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, việc bổ sung quy định các sếp ngân hàng không kiêm nhiệm các chức danh tương đương tại các doanh nghiệp khác là để hạn chế lạm dụng quyền nhằm thực hiện các hoạt động đầu tư cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường và tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ông Hưng đánh giá đó là nội dung bổ sung rất quan trọng để ngăn ngừa việc thao túng, đảm bảo minh bạch, an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đoàn Thái Sơn, vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước, nói rằng chuyện các để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp lẫn ngân hàng thì trong nhiệm kỳ hiện tại, chủ doanh nghiệp có thể vẫn làm lãnh đạo ngân hàng, nhưng hết nhiệm kỳ thì phải lựa chọn đi hay ở. 

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận mục đích của quy định trên là để tránh doanh nghiệp sử dụng ngân hàng như một sân sau vì khi sếp ngân hàng cũng là chủ doanh nghiệp thì việc ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn là rất dễ dàng. 

Thực tế, theo ông Hiếu, trong thời gian qua đã có không ít trường hợp lạm dụng theo hình thức trên dẫn đến phát sinh nợ xấu. 

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng khoa tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, thực tế có nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp đồng thời là chủ ngân hàng nhưng không lộ diện do đó ngân hàng vẫn là một sân sau của doanh nghiệp đó. 

Vì thế, ông Bảo cho rằng quy định trên mới chỉ giải quyết phần ngọn chứ chưa phải gốc rễ, hơn nữa cũng chỉ yêu cầu không giữa chức vụ lãnh đạo chứ không bắt buộc thoái vốn chẳng hạn, nên các ông chủ vẫn "có thể lách được cách này hay cách khác".

"Cái gốc vẫn là đạo đức nghề nghiệp trong việc thẩm định và xét duyệt cho vay và Ngân hàng Nhà nước phải có quy định sao cho ràng buộc trách nhiệm của họ chặt chẽ hơn để tránh tái hiện nợ xấu như trong quá khứ", ông Bảo nhấn mạnh.

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên