Đài CNN cho biết theo dự báo mới nhất, những cơn gió Santa Ana mạnh nhất và đáng lo ngại nhất sẽ một lần nữa đổ bộ vào khu vực đô thị Los Angeles và các vùng lân cận vào rạng sáng 14-1 (theo giờ địa phương).
Mặc dù gió Santa Ana là một phần quen thuộc trong cuộc sống của người dân miền Nam California, nhưng các chuyên gia cho biết lần này gió đặc biệt dữ dội và phá hủy hơn bình thường.
Theo báo USA Today, gió Santa Ana thường xuất hiện vào mùa thu và đông, đẩy không khí khô từ các sa mạc nội địa của California và miền tây nam hướng về phía bờ biển.
Khi các hệ thống áp suất cao di chuyển từ đông sang tây qua dãy núi Santa Ana ở miền nam California, gió bị ép xuống, nén lại và làm nhiệt độ tăng cao.
Khu vực áp suất cao ở vùng Great Basin (cao nguyên ở phía đông dãy núi Sierra Nevada) kết hợp với cơn bão ở tây bắc Mexico đã tạo điều kiện để gió mạnh xuất hiện ở miền nam California từ ngày 7-1, theo nhà khí tượng học Gwen Fieweger tại Công ty dự báo thời tiết tư nhân AccuWeather.
Các dãy núi Santa Monica và San Gabriel cũng có các hẻm núi và thung lũng - những nơi có thể hoạt động như một ống dẫn gió Santa Ana - làm gió mạnh hơn và đẩy nhanh tốc độ lan rộng của các vụ cháy rừng trong khu vực núi.
Nhà khoa học Janice Coen làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia ở Boulder (Colorado) cho biết những cơn gió này cũng làm khô cỏ cây trên các sườn núi và có thể mang theo tàn lửa bay xa, khiến các vụ cháy lan nhanh hơn.
Theo Đài BBC, sức mạnh của gió là yếu tố khiến đám cháy ở California nhanh chóng lan rộng. Tốc độ gió thường từ 60 - 80 dặm/giờ (95-130km/h), nhưng trong các điều kiện thời tiết khiến gió Santa Ana hoạt động mạnh mẽ nhất, gió có thể giật lên tới 100 dặm/giờ (160km/h).
Việc những cơn gió mạnh như vậy kéo dài liên tục trong nhiều ngày sẽ khiến quá trình kiểm soát đám cháy trở nên vô cùng khó khăn. Tính chất giật từng cơn của gió càng làm cho hướng lan của đám cháy trở nên khó lường hơn.
Trước tình hình này, ngày 13-1, thêm nhiều xe bồn chở nước và hàng chục lính cứu hỏa đã được điều động đến Los Angeles. Các máy bay đã rải hóa chất chống cháy lên các khu dân cư và sườn đồi, trong khi các đội cứu hỏa và xe cứu hỏa được bố trí gần những khu vực dễ bị tổn thương. Hàng chục xe chở nước cũng đã được triển khai để bổ sung nguồn nước chữa cháy.
Thị trưởng Los Angeles Karen Bass và các quan chức khác cho biết thành phố đã sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa mới nhờ sự hỗ trợ của lính cứu hỏa từ khắp nơi ở Mỹ, cũng như từ Canada và Mexico.
Thương vong do cháy rừng sẽ còn tăng
Các vụ cháy rừng dữ dội đã hoành hành tại khu vực Los Angeles từ tối 7-1 (giờ địa phương) đến nay khiến ít nhất 24 người thiệt mạng. Báo New York Times dẫn lời các quan chức địa phương cho biết số người thương vong và mất tích dự kiến còn tăng trong những ngày tới.
Tính đến ngày 12-1, các đám cháy đã thiêu rụi một khu vực rộng hơn 16.000ha ở Los Angeles, nhấn chìm hơn 12.000 nhà ở, công trình công cộng, ô tô trong biển lửa.
Ngày 13-1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chi phí tái thiết sau các vụ cháy rừng thiêu rụi nhiều khu vực ở thành phố Los Angeles trong tuần qua sẽ lên đến hàng chục tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận