Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an TP Đà Nẵng nhiều lần tìm kiếm thi thể cháu N. nhưng vẫn chưa có kết quả - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Chẳng lẽ sau này có vụ án giết người không tìm thấy xác thì không xử lý được? Sẽ rất khó trả lời cho công luận
Đại tá Trần Mưu
Tháng 2-2019, ông Bùi Văn Hời (47 tuổi) đến Công an TP Đà Nẵng đầu thú về việc đã bóp cổ cô con gái 8 tuổi đến chết và cho xác vào bao để ném xuống sông.
Tuy nhiên, từ đó đến nay vụ án vẫn rơi vào bế tắc bởi các cơ quan tố tụng Đà Nẵng đang có những ý kiến trái chiều về việc khởi tố hay không khởi tố.
Công an đề nghị khởi tố, viện kiểm sát không đồng ý
Theo lời khai của ông Hời, sau khi ly hôn vợ thì ông đón con gái là B.T.U.N. (8 tuổi) về khách sạn ở chung. Ngày 1-2-2019, do bức xúc chuyện gia đình, công việc, cộng với việc con làm đổ sữa và cãi lời nên ông Hời đã bóp cổ cháu N. đến chết. Sau đó, ông Hời bỏ xác con gái và hai cục đá vào bao rồi đem ném xuống sông.
Từ lời khai của ông Hời, cơ quan điều tra đã khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ và tìm thi thể cháu N., nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Hời và Viện KSND TP Đà Nẵng đã gia hạn 2 lần.
Qua trao đổi với cơ quan điều tra, quan điểm của Viện KSND TP Đà Nẵng là nếu không tìm được xác cháu N. thì sẽ không phê chuẩn quyết định khởi tố và tạm giam đối với Hời.
Vì vậy ngày 7-3, khi hết thời hạn tạm giữ, ông Hời được trả tự do.
Được biết, sau khi Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng có báo cáo về vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản trao đổi với Viện KSND tối cao.
Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Mặc dù chưa tìm thấy thi thể nạn nhân nhưng bản thân Hời tự ra đầu thú và khai nhận hành vi giết cháu N., đồng thời căn cứ vào tài liệu xác minh thu thập được, tin báo tố giác của gia đình nạn nhân, lời khai nhận tội của Hời phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu nhận được, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định ông Hời có dấu hiệu của hành vi giết người.
Việc ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với Bùi Văn Hời là cần thiết và có căn cứ.
Đồng quan điểm, Viện KSND tối cao cũng đã có văn bản cho rằng việc khởi tố bị can và tạm giam Bùi Văn Hời để điều tra là có căn cứ và cần thiết.
Đại tá Trần Mưu - phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng - cho biết cơ quan điều tra đã điều tra và phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát để đưa vụ án ra xét xử.
Tuy nhiên, phía Viện KSND TP Đà Nẵng có những điểm chưa đồng thuận vì cho rằng cơ quan điều tra chưa tìm được thi thể cháu N..
Theo đại tá Mưu, cơ quan điều tra rất nỗ lực, hợp đồng với những ngư dân nhiều kinh nghiệm chuyên lặn biển, sử dụng các loại thuyền, tìm khắp nơi, lặn năm lần bảy lượt cũng tìm không ra thi thể cháu bé.
Thả nghi can giết người, có tạo tiền lệ xấu?
Việc một nghi can trong vụ án giết người được trả tự do đã khiến dư luận băn khoăn. Bởi giết người là tội đặc biệt nghiêm trọng, với hình phạt rất cao và nghi can thường bị bắt tạm giam ngay sau đó.
Sau khi vụ án ở Đà Nẵng xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng việc thả nghi can sẽ tạo ra tiền lệ xấu về việc "tha bổng" tội phạm giết người hoặc kích thích tội phạm phi tang thi thể nạn nhân để không ai có thể tìm thấy.
Nhận định về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng nếu trong vụ án giết người mà không tìm thấy xác nạn nhân thì dù có người đứng ra nhận tội vẫn phải trả tự do cho họ. Lý do: nếu không tìm được xác nạn nhân thì rất khó để buộc tội bị can. Nếu tìm được xác nạn nhân mới có thể trả lời phần lớn câu hỏi của vụ án.
"Nếu không tìm được xác nạn nhân thì biết đâu nạn nhân còn sống. Khi kết tội bị cáo rồi mà người được cho là bị hại trở về thì ngành tư pháp sẽ có thảm họa. Trong tố tụng hình sự, lời khai của bị can không phải chứng cứ duy nhất để buộc tội. Lời khai nhận tội phải phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Nếu không có xác nạn nhân mà lời khai nhận tội phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án thì cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố bị can. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì việc xem xét các chứng cứ phải hết sức cẩn trọng, các chứng cứ phải phù hợp với nhau mới có cơ sở xem xét" - luật sư Trương Anh Tú cho biết.
Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hưng (trưởng phòng pháp luật hình sự Viện nhà nước và pháp luật - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi mọi nghi ngờ phải giải thích có lợi cho bị can. Trong vụ án ở Đà Nẵng, nghi ngờ hợp lý là cháu bé vẫn còn sống.
"Bộ luật tố tụng hình sự có quy định giết người thuộc trường hợp bắt buộc phải giám định, không giám định là vi phạm tố tụng. Nếu không có thi thể nạn nhân thì lấy gì giám định. Trên thế giới đã có nhiều trường hợp dù có người khai nhận tội nhưng cơ quan điều tra phải thả về vì không tìm thấy xác nạn nhân" - TS Đinh Thế Hưng cho biết.
Cẩn trọng trong điều tra là cần thiết, tuy nhiên khi có vụ án giết người xảy ra, dư luận sẽ đòi hỏi cơ quan điều tra phải tìm ra hung thủ. Về vấn đề này, TS Đinh Thế Hưng cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu gây sức ép đòi hỏi công an phải tìm ra tội phạm bằng mọi giá. "Bởi nếu không có bản lĩnh nghề nghiệp, điều tra viên sẽ "buộc gấu phải nhận là thỏ", sẽ xảy ra oan sai.
Người dân có quyền đòi hỏi công an phải sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật cho phép để tìm ra hung thủ. Điều này có thể kích thích tội phạm phi tang thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, cẩn trọng trong điều tra luôn là điều hết sức cần thiết để không hàm oan người vô tội" - TS Đinh Thế Hưng cho biết.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã trao đổi với Viện KSND tối cao về quan điểm xử lý vụ án này.
Tuy nhiên đến nay giữa công an và Viện KSND TP Đà Nẵng vẫn chưa thống nhất được quan điểm.
Chúng tôi đã 2 lần có văn bản đề nghị viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố Bùi Văn Hời về tội giết người, tuy nhiên đến nay viện kiểm sát vẫn chưa có văn bản trả lời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận