28/07/2016 11:32 GMT+7

Giết người sao dễ quá vậy?

LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học)
LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học)

TTO - Chuyện hai thanh niên bị đâm chết tại Q.7, TP.HCM do va quẹt xe khi lưu thông trên đường phố vào rạng sáng 17-7 một lần nữa khiến chúng ta không thể không đặt câu hỏi vì sao người ta lại có thể giết người một cách dễ dàng như vậy?

Nhiều phân tích đã đề cập đến việc hình như nhiều người hiện nay thiếu rất nhiều kỹ năng để ứng phó với những tình huống không mong muốn trong cuộc sống. Và khi thiếu các kỹ năng ấy, con người sẽ hành xử theo quán tính là dựa vào bản năng của mình, đó là tấn công lại người gây ra tình huống không mong muốn đối với mình - giống như cách mà thế giới động vật thường làm khi gặp phải tình huống bị đe dọa.

Cái sự thiếu kỹ năng hay việc chỉ nghĩ ngay đến lối giải quyết vấn đề dựa trên sức mạnh vật lý kiểu “mạnh được yếu thua” hay “nhanh thắng chậm chết” có lẽ phản ánh một nền tảng giáo dục chưa trang bị tầm nhìn dài hạn và sự tự chủ trong suy nghĩ, ứng xử của mỗi cá nhân trong xã hội. Khi ấy, con người sẽ có cái nhìn ngắn hạn về mọi việc, thế nên họ chỉ giải quyết cái bức xúc cá nhân nhất thời, tìm cách thỏa mãn cái mong muốn trước mắt chứ không suy tính những hậu quả về lâu dài của hành động và ứng xử của mình.

Rồi đây, những kẻ thủ ác sẽ ra trước vành móng ngựa và chúng ta sẽ lại nghe lời biện hộ rất quen thuộc là vì lúc đó nóng giận quá nên mới hành xử như thế. Thế nhưng, nóng giận hay thiếu kiềm chế không phải là lý do, mà cái lý do sâu xa là những người ấy đã không được dạy, được uốn nắn để có cái nhìn và lối ứng xử điềm tĩnh trong cuộc sống như những con người văn minh. Các xã hội đã dày công xây dựng nên một thế giới văn minh tức là xây dựng một xã hội sao cho con người càng ngày càng rời xa với lối ứng xử mông muội vốn chỉ dựa trực tiếp vào bản năng chứ không phải là trí óc.

Thế nên, các nhà khoa học xã hội - nhân văn mới luôn nhắc nhở rằng thế giới văn minh không chỉ và không thể chỉ dựa vào công nghệ hay kinh tế mà phải dựa vào các nền tảng văn hóa nữa. Nếu thiếu một nền tảng văn hóa vốn có được từ việc giáo dục các tri thức thuộc ngành khoa học xã hội - nhân văn thì sự tiến bộ công nghệ chỉ làm cho sự man rợ diễn ra dễ hơn và nhanh hơn mà thôi.

Con người ứng xử văn minh khi được giáo dục và thấm nhuần những giá trị văn hóa, những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Thế nhưng, điều này hình như đang bị xem nhẹ trong xã hội ta trong thời gian khá dài vừa qua mà hậu quả để lại là những điều chúng ta đang phải chứng kiến.

LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên