31/08/2014 10:33 GMT+7

Giấy viết tay của Trịnh Công Sơn là chứng thư cấp quyền

Luật sư NGUYỄN NGỌC PHÁT(Đoàn luật sư TP.HCM)
Luật sư NGUYỄN NGỌC PHÁT(Đoàn luật sư TP.HCM)

TT - Giấy viết tay của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Khánh Ly xuất trình không phải là hợp đồng, nhưng nó là bằng chứng và là kết quả của việc thực hiện hợp đồng.

Văn bản Khánh Ly cung cấp "mơ hồ"?
Đồng Dao trả 250 triệu phí tác quyền cho liveshow Khánh Ly
​Sô Khánh Ly ở Bình Dương tạm hoãn... vì tác quyền?

Phóng to
Ca sĩ Khánh Ly tại live show Khánh Ly ở Đà Nẵng - Ảnh: AN BẢO

LTS - Tuổi Trẻ 29-8 có thông tin về ca sĩ Khánh Ly công bố văn bản viết tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho phép bà sử dụng ca khúc của ông.

Trong đó, có ý kiến của luật sư cho rằng văn bản này vô hiệu. Trên số báo này chúng tôi xin giới thiệu một góc nhìn khác của luật sư Nguyễn Ngọc Phát.

Bộ luật dân sự 1995 có hiệu lực từ 1-7-1996, sau đó Bộ luật dân sự 2005 thay thế từ 1-1-2006 quy định giống nhau về khái niệm hợp đồng dân sự. “Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Theo đó, hợp đồng phải là sự thỏa thuận của các bên, sự thỏa thuận đó phải thể hiện ra bằng hình thức nhất định, lời nói cũng là một hình thức thỏa thuận.

Giấy viết tay của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Khánh Ly xuất trình không thể hiện sự thỏa thuận giữa hai bên nên không phải là hợp đồng, nhưng nó là bằng chứng và là kết quả của việc thực hiện hợp đồng. Đây là một chứng thư của chủ sở hữu tác giả cấp quyền sử dụng tác phẩm của chính mình.

Nội dung của giấy chỉ có ba dòng ngắn ngủi: “Tôi là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đồng ý cho Khánh Ly sử dụng những bài hát của tôi. Tiền tác quyền là 5.000 USD”.

Nội dung không nói đến phạm vi và thời hạn sử dụng, nhưng không phải vì vậy mà có thể phủ nhận nó. Chủ tài sản trí tuệ có thể xác định phạm vi quyền cụ thể, hoặc có thể xác định phạm vi quyền tổng thể, dựa trên một ý tưởng chung thống nhất.

Trong mối quan hệ đặc biệt giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn mà không ai phủ nhận, cho chúng ta xác định được ý tưởng chung thống nhất việc chuyển quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc, có phạm vi rộng. Về không gian sử dụng: bất kỳ nơi đâu. Về thời gian: suốt quãng đời còn lại của Khánh Ly.

Giấy viết tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết thời điểm xác lập hợp đồng chuyển quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc khi Bộ luật dân sự 1995 và nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 về quyền tác giả có hiệu lực, vì vậy căn cứ khoản 2 điều 767 của Bộ luật dân sự 1995: “Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Điều 768 quy định: “Tùy theo từng loại hợp đồng sử dụng tác phẩm, các bên thỏa thuận những nội dung chủ yếu [...].”

Theo đó, không phải mọi trường hợp hợp đồng sử dụng tác phẩm đều phải lập văn bản, và phải có nội dung chủ yếu. Luật cho phép các bên có thể “thỏa thuận khác”, khi chưa biết được hợp đồng giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn thì không thể đưa ra nhận xét, nhưng hai bên hoàn toàn có thể thỏa thuận khác.

Ngoài ra, cũng không có một quy định nào khác nêu ra trong Bộ luật dân sự rằng: Hợp đồng chuyển quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc, nếu thiếu một trong các nội dung chủ yếu thì vô hiệu.

Vô hiệu là chế tài khôi phục lại trật tự xã hội đã bị xâm phạm, có hậu quả bất lợi cho các bên tham gia giao dịch, vì vậy chỉ coi là vô hiệu khi luật có quy định, không suy diễn.

Do đó, các ý kiến cho rằng giấy viết tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là hợp đồng - từ đó đối chiếu quy định pháp luật, cho rằng hợp đồng vô hiệu, như phân tích ở trên, là thiếu cơ sở và hoàn toàn không thuyết phục.

Khánh Ly đã xác lập quyền sử dụng, chỉ cần chứng minh việc sử dụng có sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm, đã trả tiền sử dụng là không vi phạm. Vì vậy, văn bản viết tay của Trịnh Công Sơn là chứng thư có giá trị đầy đủ và thuyết phục.

Hơn nữa, Trịnh Công Sơn vừa là tác giả vừa là chủ sở hữu tác phẩm đã cấp quyền sử dụng. Người thừa kế của Trịnh Công Sơn chỉ hưởng di sản do ý chí của Trịnh Công Sơn để lại. Sẽ trái đạo lý nếu người thừa kế đi ngược lại ý chí của Trịnh Công Sơn bằng cách bác bỏ chứng thư cấp quyền của ông.

Và vì vậy, người được ủy quyền (người thụ ủy) của người thừa kế là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam càng không có quyền nếu người ủy quyền (chủ ủy) là các thừa kế của Trịnh Công Sơn không có quyền bác bỏ.

Cuối cùng, Trịnh Công Sơn đã để lại cho xã hội cả gia tài âm nhạc, mà Khánh Ly đã đóng góp tài năng của mình để làm gia tăng giá trị của nó, góp phần bổ sung vào kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Thiết nghĩ, đừng vì vật chất mà làm hoen ố, trái ý nguyện của những người sáng tạo ra.

Luật sư NGUYỄN NGỌC PHÁT(Đoàn luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên