03/09/2011 06:00 GMT+7

Giấu giếm thông tin, ai hưởng lợi?

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Quá trình xét tuyển NV2 vào các trường ĐH, CĐ năm nay đã đi được nửa chặng đường. Ngày càng có thêm nhiều lời chào mời “được vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh” từ các trường ĐH.

Đồng nghĩa với việc “được vận dụng điều 33”, mức điểm công bố nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển - và có lẽ chỉ trong vài ngày nữa sẽ trở thành điểm chuẩn chính thức của các trường này - sẽ thấp hơn mức điểm sàn chung từ 1,5-2 điểm.

Nhiều cơ hội hấp dẫn như vậy nhưng không ít thí sinh vẫn đang băn khoăn, hoang mang chưa thể quyết định lựa chọn nơi đăng ký xét tuyển NV2 hoặc vừa nộp hồ sơ vừa... hồi hộp. Bởi vì đến thời điểm này, chưa có một nguồn thông tin chính thống xác nhận đã có bao nhiêu trường ĐH, là những trường nào, thật sự được Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng điều 33.

Trong thông báo xét tuyển, nhiều trường khá lập lờ “trường đã có văn bản xin ý kiến bộ...” nhưng được bộ cho phép hay chưa thì không thấy trường nói rõ. Trả lời báo chí, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết số trường “xin” rất nhiều, nhưng không phải trường nào cũng đủ điều kiện để được “cho” vận dụng điều 33.

Tình trạng “vơ vét”, tranh giành thí sinh, vi phạm tràn lan trong xét tuyển NV2 của mùa tuyển sinh năm nay cũng như những vụ tự ý vận dụng điều 33 mấy năm gần đây khiến thí sinh, phụ huynh lo lắng, không dám tin vào những lời tự công bố, quảng bá của một số trường ĐH vốn đã tai tiếng. Họ có nhu cầu biết chính xác những trường có được vận dụng điều 33 để tránh những rắc rối không đáng có.

Thế mà đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT không hề công bố danh sách những trường đã được bộ cho phép vận dụng điều 33 khiến hàng vạn thí sinh vẫn cứ mơ hồ, dò dẫm, vừa nộp hồ sơ vừa phấp phỏng lo lắng.

Đây cũng không phải là lần đầu danh tính của những trường ĐH được áp dụng điều 33 được Bộ GD-ĐT “bảo mật” kỹ lưỡng như vậy. Kể từ khi điều 33 được đưa vào quy chế tuyển sinh, chưa có năm nào bộ công bố danh sách các trường được phép áp dụng điều 33.

Rõ ràng thí sinh quá cần thông tin này, bản thân các trường được vận dụng cũng rất muốn công bố để quảng bá, chiêu sinh... Vậy vì sao bộ cần “bảo mật”, có ai được lợi khi những thông tin này được giấu giếm, không công khai?

Phải chăng việc chính bộ không nghiêm túc thực hiện việc công khai những thông tin liên quan đến xét tuyển cũng là một nguyên nhân khiến các trường coi thường kỷ cương, sẵn sàng nhập nhèm, “xé rào” khi xét tuyển, còn bộ cũng không dám thẳng tay xử lý nghiêm? Rốt cuộc, sự thiếu rõ ràng này chỉ thiệt cho thí sinh.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên