26/04/2006 18:39 GMT+7

Giáo viên THPT: vừa thừa vừa thiếu

NGUYỆT ANH
NGUYỆT ANH

TTO - “Giáo viên THPT hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu, thừa ở thành thị nhưng thiếu ở các vùng xa, vùng sâu, đặc biệt rất thiếu giáo viên ngoại ngữ và tin học”.

XuMBWHbI.jpgPhóng to

Bao giờ vùng sâu, vùng xa sẽ có giáo viên đủ nhiệt huyết tình nguyện về? Trong ảnh: Giờ học vi tính của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú TP Cần Thơ (Quận Ô Môn, TP Cần Thơ)

TTO - “Giáo viên THPT hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu, thừa ở thành thị nhưng thiếu ở các vùng xa, vùng sâu, đặc biệt rất thiếu giáo viên ngoại ngữ và tin học”.

Ông Nguyễn Hữu Châu, viện trưởng Viện chiến lược và chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã cho biết như vậy tại hội nghị Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức tại Hà Nội ngày 25-4.

Hội nghị sẽ tiếp tục làm việc trong bốn ngày từ 25 đến 28-4 và thảo luận 10 chuyên đề liên quan đến giáo dục THPT như đổi mới giáo dục trung học, chương trình SGK mới, phân ban, quy chế tuyển sinh THPT, Luật giáo dục 2005, thanh tra giáo dục… thu hút hàng trăm đại biểu đại diện cho 18 tỉnh phía bắc và Trường Cán bộ quản lý giáo dục & Đào tạo về dự.

Theo số liệu được công bố tại hội nghị này, đến năm học 2005-2006, tổng số giáo viên THPT toàn quốc đã đạt xấp xỉ 107.000 người với tốc độ tăng hàng năm khá cao nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu. Hàng năm cả nước có khoảng 76% học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào THPT. Số học sinh nhập học đã tăng từ 554.000 em (1991-1992) lên đến 2.802.000 em trong năm học 2005- 2006.

Theo ông Châu, đây là cơ sở thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương phổ cập bậc trung học vào năm 2020. Tuy nhiên điều này khiến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở bậc THPT, nhất là các vùng khó khăn tăng lên. Ngoại trừ đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình hiện mới đạt 1,68 trong khi quy định là 2,1. Để đáp ứng nhu cầu đến năm 2010 cần chí ít 124.000 giáo viên ở bậc học này, trong đó cần bổ sung số lượng không nhỏ giáo viên dạy ngoại ngữ và tin học.

Tình trạng “vừa thừa vừa thiếu” cũng xảy ra với chất lượng giáo dục ở bậc THPT. Theo đánh giá của Viện Chiến lược và chương trình giáo dục, chất lượng giảng dạy chưa theo kịp yêu cầu thực tế, nội dung SGK vẫn “thừa” về lý thuyết, “thiếu” kiến thức ứng dụng, thực hành. Đặc biệt, phần rèn luyện kỹ năng sống chưa được chú trọng nên nhiều học sinh tốt nghiệp lớp 12 vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ kỹ năng cần thiết để vào đời. Việc hướng nghiệp cũng chưa được làm tốt.

Theo điều tra 457 trường THPT ở 15 tỉnh thành, có 19,2% học sinh tốt nghiệp THPT vào ĐH nhưng chỉ 4,9% theo học các trường nghề, 7,4% theo học TCCN, số lớn còn lại làm các nghề tự do hoặc đi nghĩa vụ quân sự.

NGUYỆT ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên