Không có chuyên môn phù hợp đúng trình độ
Để giảng dạy bất kỳ một môn học nào, giáo viên phải có chuyên môn phù hợp với môn học đó ở trình độ cao hơn. Giáo viên dạy trình độ sơ cấp thì phải tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 1 hoặc chứng nhận bậc thợ 3/7, 2/6 hoặc chứng nhận nghệ nhân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tương đương trở lên.
Với môn học thực hành lái xe thì hoàn toàn không có ngành, nghề trung cấp trở lên nào phù hợp, chưa có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho nghề lái xe nên cũng chưa thể có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, bậc thợ lái xe cao nhất là 4/4 và cũng chưa hề có nghệ nhân lái xe.
Như vậy, giáo viên dạy thực hành lái xe thực tế đang không đủ chuẩn trình độ chuyên môn của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ sơ cấp.
Làm việc không theo định mức giờ chuẩn
Giáo viên dạy trình độ sơ cấp có định mức từ 500 - 580 giờ chuẩn/năm học, tức 12 - 14 giờ chuẩn/tuần, với thời gian làm việc 46 tuần/năm theo chế độ tuần làm việc 40 giờ, gồm:
- 42 tuần thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh;
- 2 tuần học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ;
- 2 tuần thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn.
Trường hợp không học tập, bồi dưỡng thì 2 tuần đó được chuyển sang giảng dạy, tương ứng với 24 - 28 giờ chuẩn.
Thời gian nghỉ ngơi hằng năm là 6 tuần, bao gồm nghỉ hè, nghỉ Tết và lễ, trong đó thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép hằng năm.
Tuy nhiên, giáo viên dạy thực hành lái xe ở đơn vị công lập hiện đang không thực hiện theo chế độ làm việc này mà đa phần khi giảng dạy thì được chấm công như người làm việc hành chính: 8 giờ/ngày và 40 - 48 giờ/tuần. Còn tại cơ sở đào tạo lái xe tư thục thì khoán số giờ học theo số lượng học viên để trả lương. Hoàn toàn không có 2 tuần thực tập tại doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn cho giáo viên công lập lẫn tư thục.
Như vậy, giáo viên dạy thực hành lái xe đang làm việc 40 - 48 giờ chuẩn/tuần và 1.840 - 2.208 giờ chuẩn/năm, gấp 368 - 441,6% mức quy định.
Lúc này, đương nhiên giáo viên dạy thực hành lái xe sẽ không có nghỉ hè mà sẽ nghỉ phép, nghỉ Tết và lễ như làm việc hành chính. Chỉ những người có thâm niên công tác ở mức cao nhất mới có được số ngày nghỉ hằng năm ngang với một nhà giáo dạy sơ cấp mới vào nghề.
Dễ thấy là nếu thực hiện đúng định mức giờ chuẩn thì số lượng giáo viên dạy thực hành lái xe và chi phí nhân công trong học phí cũng sẽ tăng lên tương ứng, 368 - 441,6%. Đây là một bài toán khó cho bất cứ cơ sở đào tạo lái xe nào.
Trên thế giới ra sao?
Như vậy, thực tế là giáo viên dạy thực hành lái xe Việt Nam không đủ chuẩn chuyên môn và cũng không thực hiện chế độ làm việc như giáo viên dạy trình độ sơ cấp.
Ở nhiều nước phát triển như Singapore, Anh, Mỹ, giáo viên dạy lái xe (driving instructor) dạy cả lý thuyết lẫn thực hành, gồm giáo viên của cơ sở đào tạo và giáo viên cá nhân. Giáo viên cá nhân là người được cấp phép dạy lái xe hạng B, hoạt động độc lập, tự chiêu sinh, tự đào tạo bằng xe của mình. Giờ giảng dạy của cả hai loại giáo viên đều tùy thuộc nhu cầu người học, mà không có định mức giờ chuẩn. Dĩ nhiên, thu nhập của họ cũng sẽ tăng giảm theo số lượng người học.
Để trở thành một driving instructor, tiêu chuẩn thông thường là tốt nghiệp trung học phổ thông, có giấy phép lái xe hạng phù hợp từ 2 - 5 năm tùy theo quốc gia, có hồ sơ lái xe sạch và vượt qua khóa đào tạo giáo viên dạy lái xe chứ không yêu cầu trình độ trung cấp trở lên.
Từ đây, có thể thấy rằng quy định pháp luật về giáo viên dạy thực hành lái xe ở Việt Nam khác với thế giới nhưng trên thực tế thì lại giống. Do vậy, cần xem xét sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo lái xe nói chung và giáo viên lái xe nói riêng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận