22/06/2016 08:37 GMT+7

Giao thông thông minh sẽ xóa được kẹt xe Sài Gòn?

NGỌC ẨN - LÊ PHAN
NGỌC ẨN - LÊ PHAN

TTO - TP.HCM với hơn 8,2 triệu dân (chưa tính hơn 1 triệu người nhập cư) trong khi diện tích đất dành cho giao thông thấp nên luôn đối mặt với nạn kẹt xe.

Đại lộ Võ Văn Kiệt là tuyến đường áp dụng mô hình trung tâm điều khiển giao thông thông minh tại TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN
Đại lộ Võ Văn Kiệt là tuyến đường áp dụng mô hình trung tâm điều khiển giao thông thông minh tại TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

​Đây là lý do TP đang dự định xây dựng trung tâm điều khiển giao thông thông minh (ITS) để kéo giảm nạn kẹt xe.

Tại hội thảo về mô hình phát triển trung tâm điều hành giao thông thông minh TP.HCM mới đây, ông Lâm Thiếu Quân, giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong, cho rằng khó khăn trong giải quyết bài toán giao thông tại TP.HCM là vốn đầu tư dự án mở rộng cầu, đường cực kỳ tốn kém, thời gian thi công kéo dài đến vài năm.

Bên cạnh đó, dự án còn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân về giải phóng mặt bằng và gây ùn tắc giao thông cục bộ.

Trong khi đó, tổ chức và quản lý giao thông bằng ITS có nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư thấp, thời gian triển khai nhanh, không cần giải phóng mặt bằng và đem lại hiệu quả là tác động lớn đến giao thông và hành vi của người đi đường. ITS đã được triển khai thành công ở nhiều nước và VN cần học hỏi, triển khai nhanh.

Lãnh đạo Trung tâm quản lý điều hành sông Sài Gòn - đơn vị quản lý Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông TP - cho biết việc đưa vào hoạt động thí điểm hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông trên đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh) đã giúp tuyến đường này luôn thông thoáng. Bởi vì ngồi ở trung tâm này, nhân viên quan sát camera có thể biết được tình hình xe lưu thông qua từng giao lộ để điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp giải quyết được ùn tắc giao thông, thay vì cử nhân viên ra giao lộ điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu.

Tại Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông TP, chúng tôi được nhân viên ở đây chỉ lên màn hình toàn bộ tình hình giao thông ở nút giao thông An Phú (là giao lộ Mai Chí Thọ - đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai) - đường Lương Định Của, Q.2).

Các nhân viên cho biết qua camera có thể xác định được các hướng có đông xe lưu thông, lập tức sẽ điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giải tỏa ngay kẹt xe. Đồng thời từ máy vi tính lập trình đưa ra 8 đáp án điều chỉnh đèn tín hiệu giải quyết kẹt xe ở nút giao thông này.

Nhờ đó, nút giao thông An Phú không còn cảnh kẹt xe nối dài trên đường Mai Chí Thọ và đường cao tốc như đã từng xảy ra vào năm 2014.

Tại hội thảo nói trên, PGS.TS Phạm Xuân Mai, Trường đại học Bách khoa TP.HCM, đề nghị đầu tư ITS cho đường bộ cần thực hiện đồng bộ với đầu tư ITS cho vận tải hành khách công cộng để giải quyết bài toán giao thông ở TP.

Ông Trần Đắc Sử, hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải, đề nghị trong nước cần chủ động sản xuất thiết bị ITS, không lệ thuộc việc nhập thiết bị từ nước ngoài.

Ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sẽ tham khảo, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia để TP quyết định lựa chọn mô hình tối ưu đầu tư xây dựng trung tâm điều khiển ITS trong giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

NGỌC ẨN - LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên