Theo thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hệ số giảng viên quy đổi có sự khác nhau giữa các trình độ và chức danh. Giảng viên toàn thời gian có trình độ đại học có hệ số quy đổi 0,3, thạc sĩ 1, tiến sĩ 2, phó giáo sư 3 và giáo sư 5.
Giáo sư chủ yếu nghiên cứu, dạy sau đại học
Dù số lượng chỉ tiêu cao hơn rất nhiều so với giảng viên có học vị thạc sĩ và tiến sĩ nhưng thực tế giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư ít giảng dạy bậc đại học, nhất là ở các trường đại học có số lượng giảng viên có chức danh ít. Điều này dẫn đến việc chỉ tiêu xác định nhiều nhưng việc giảng dạy thực tế do giảng viên có trình độ thấp hơn đảm nhiệm.
Ông Nguyễn Xuân Hoàn, hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM, xác nhận những người có học hàm giáo sư, phó giáo sư ở trường có giảng dạy bậc đại học nhưng không nhiều. Đa số họ dạy sau đại học.
Là giảng viên tham gia giảng dạy, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, giảng viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết ông có tham gia dạy đại học nhưng không nhiều, chủ yếu dạy sau đại học, hướng dẫn luận văn và nghiên cứu. Đối với bậc đại học, ông Dũng cho biết hiện chỉ dạy các lớp chương trình liên kết quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, không dạy chương trình đại trà.
"Mỗi năm trường quy định giảng viên có chức danh phó giáo sư như tôi dạy 200 tiết, có tính hệ số với các lớp đông. 200 tiết này bao gồm cả việc dạy đại học và sau đại học, hướng dẫn thạc sĩ và tiến sĩ" - ông Dũng cho biết.
Ông Dũng cũng nói thêm rằng giáo sư là những người có chuyên môn sâu, chủ yếu làm công tác nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Giáo sư dạy đại học đôi khi chưa hẳn đã chất lượng bởi họ bị đặt vào chưa đúng chỗ, dạy những điều quá cao so với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của sinh viên.
"Chính sách khuyến khích giảng viên"
Các ý kiến cho rằng việc giáo sư, phó giáo sư có hệ số xác định chỉ tiêu tuyển sinh và nhiều chế độ chính sách khác cao hơn thạc sĩ, tiến sĩ là chính sách khuyến khích để giảng viên cố gắng đạt trình độ cao hơn, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Ông Nguyễn Xuân Hoàn cho rằng giáo sư, phó giáo sư luôn có chế độ lương, phụ cấp, đãi ngộ tốt hơn so với thạc sĩ, tiến sĩ. Các chế độ ấy bao gồm cả hệ số quy đổi khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh là để minh định sự khác biệt giữa giáo sư, phó giáo sư với thạc sĩ, tiến sĩ.
"Đó là chính sách khuyến khích tốt, là động lực để những giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cố gắng để đạt được chức danh. Chế độ tốt hơn nhưng giáo sư, phó giáo sư cũng phải gánh trách nhiệm nặng hơn về nghiên cứu, giảng dạy. Ngoài ra phải có giáo sư, phó giáo sư thì mới có thể mở ngành đào tạo tiến sĩ" - ông Hoàn nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết quy định hệ số quy đổi này được đưa ra cách đây khoảng 13 - 14 năm trước. Theo ông Vinh, khi đó quy định này đưa ra nhằm khuyến khích các trường tăng cường số lượng tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư khi tuyển sinh.
"Ngày nay bối cảnh đã khác, tôi cho rằng nên thay đổi. Quy định này không logic về mặt sư phạm, có thể dẫn đến tình trạng các trường chạy đua số lượng giảng viên có học hàm để tăng chỉ tiêu tuyển sinh" - ông Vinh nói.
Ông Vinh cho rằng cần phải coi tải trọng giảng viên như nhau vì đều phải thực hiện số tiết theo chương trình giảng dạy quy định. Chức danh hay trình độ nào khi dạy đại học là dạy như nhau chứ không thể nói rằng giáo sư dạy 1 tiết bằng tiến sĩ dạy 1,5 tiết, bằng 3 lần của giảng viên có trình độ thạc sĩ, còn giảng viên là cử nhân chỉ bằng 0,8 giảng viên có trình độ thạc sĩ.
Một thạc sĩ dạy lớp 40 sinh viên, chẳng lẽ giáo sư có thể dạy được 120 sinh viên với cùng chương trình giảng dạy theo cách tư duy của thông tư nói trên?
Ảnh hưởng chất lượng giảng dạy
Theo ông Đỗ Văn Dũng, quy định hệ số quy đổi khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh là chính sách nhằm nâng cao trình độ giảng viên. Giảng viên có trình độ càng cao, chỉ tiêu càng nhiều. Và điều này vô hình trung thúc đẩy các trường chạy đua mời chào giáo sư, phó giáo sư về trường làm việc.
"Việc quy định hệ số quy đổi khi xác định chỉ tiêu này khiến số lượng sinh viên tuyển nhiều nhưng giảng viên thực dạy lại ít, cơ sở vật chất không đủ. Thực tế có không ít nơi giảng viên phải dạy từ sáng đến tối, điều này ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giảng dạy" - ông Dũng chia sẻ.
Thù lao gấp 2, gấp 3
Hiệu trưởng một trường đại học tại TP.HCM cho hay người có chức danh giáo sư, phó giáo sư ở trường ông ít hoặc không dạy đại học, chủ yếu dạy sau đại học, thực hiện các dự án nghiên cứu, hướng dẫn giảng viên, tham gia các hội đồng học thuật...
Ông này cũng nêu quan điểm rằng người có học hàm chưa chắc đã dạy đại học tốt hơn thạc sĩ hay tiến sĩ. Bên cạnh đó, thù lao phụ trội trả cho giáo sư, phó giáo sư cao hơn rất nhiều, đó cũng là lý do trường ít bố trí giáo sư, phó giáo sư dạy đại học.
"Thông thường, thù lao vượt giờ trả cho giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ từ 120.000 - 150.000 đồng/tiết trong khi giáo sư, phó giáo sư là 400.000 đồng/tiết" - ông này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận