20/02/2019 14:29 GMT+7

Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu không được trục lợi với lễ cầu an

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Hôm nay (20-2), Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức ra văn bản yêu cầu tăng ni, nhất là chư vị lãnh đạo giáo hội, không được trục lợi với lễ cầu an.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu không được trục lợi với lễ cầu an - Ảnh 1.

Hàng ngàn người dân ngồi tràn ra cả lòng đường Tây Sơn bên ngoài chùa Phúc Khánh, Hà Nội để làm lễ giải hạn chiều tối 19-2- Ảnh: NAM TRẦN

Vài ngày trước, trả lời Tuổi Trẻ Online, hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã "hứa" Giáo hội sẽ có văn bản về "dâng sao giải hạn". 

Văn bản do hòa thượng Thích Thiện Nhơn ký nêu rõ, nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc là nhu cầu của con người… Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho mọi người là việc làm có ý nghĩa, đem lại sự lạc quan trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây đã tồn tại một thực tế là có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số chùa như báo chí đã phản ánh. 

Văn bản cũng khẳng định dâng sao giải hạn không phải là một nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập vào Phật giáo, Phật giáo tôn trọng và đã dùng làm phương tiện tập hợp mọi người mà giảng giải về giáo lý nhân quả, hoằng dương chính pháp.

Do đó, Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tăng ni, nhất là các chư vị lãnh đạo giáo hội, cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an. 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh việc tổ chức các lễ cầu an này phải "đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi mà phải đúng chính pháp để mọi người hiểu luật nhân quả của Phật giáo, làm việc tốt, sống đời sống chính mạng, chính nghiệp mới tránh được bất an trong đời sống của mình". 

Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố hướng dẫn, chỉ đạo các chùa trong cả nước thực hiện đúng tinh thần của nội dung văn bản chỉ đạo này, "vì sự nghiệp hoằng dương chính pháp, không để xã hội hiểu sai về Phật giáo, giữ gìn hình ảnh trí tuệ của Phật giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam". 

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, nhiều ngôi chùa do các lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam trụ trì vẫn thực hiện nghi lễ dâng sao giải hạn trong nhiều năm qua và thu mức tiền lớn. 

Trong đó, một ngôi chùa ở Hà Nội "dẫn đầu" cả nước về lượng người đến dâng sao giải hạn cũng do một lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trụ trì.

Ngay đêm 19-2, ngôi chùa này đã tổ chức cúng giải hạn cho hàng nghìn người. Như thường lệ, cả một biển người ngồi tràn ra đường, chiếm cả đường giao thông vì chùa không đủ chỗ cho lượng người quá lớn đăng ký nộp tiền để được giải hạn ở đây. 

Chùa Quán Sứ (Hà Nội) vốn là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều năm nay cũng tổ chức lễ giải hạn. 

Cũng liên quan đến câu chuyện "dẹp loạn" dâng sao giải hạn, trưa nay 20-2, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Thái Bình cho biết đầu giờ chiều nay, bộ sẽ chính thức ban hành văn bản gửi tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị có biện pháp chấn chỉnh nạn dâng sao giải hạn với nhiều tiêu cực gây bức xúc trong dân chúng thời gian gần đây.

Chấn hưng văn hóa đi chùa: Làm sao dẹp nạn trục lợi tâm linh? Chấn hưng văn hóa đi chùa: Làm sao dẹp nạn trục lợi tâm linh?

TTO - Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, để dẹp nạn cuồng tín cầu cúng dâng sao giải hạn, vai trò quan trọng nhất thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên